Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Chuyện về cha con người cận vệ của Bác

Chuyện về cha con người cận vệ của Bác

Tran Kienquoc


Nguồn: Tran Kienquoc‎ >> Bạn Trỗi K5 - 22/7/2020



Cuộc đời người cha

Thân phụ Nguyễn Lâm là thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng, người được giao nhiệm vụ đi bảo vệ Bác suốt từ năm 1945 cho đến ngày Bác đi xa. Cụ Kháng tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1912 ở Minh Tân, Kiến Xương, Thái Bình, quê hương phong trào Xô viết với “tiếng trống Tiền Hải” từ năm 1930. Là hội viên Nông hội đỏ, tháng 10/1939, ông từng nhận nhiệm vụ bảo vệ diễn giả cuộc mít tinh kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Mật thám Pháp đánh hơi, cho lính bao vây, ông dũng cảm truy cản cho diễn giả trốn thoát, còn mình bị bắt. Sau đó bị kết án, bị đưa qua nhiều nhà tù: Thái Bình, Hỏa Lò, Sơn La rồi Chợ Chu.

5 năm tù đày, nhờ có sức khỏe lại biết võ, Nguyễn Văn Cao luôn lấy thân mình che chắn đòn cho bạn tù hoặc lo toan những công việc hậu cần cho các cuộc đấu tranh và luôn noi theo tấm gương các chiến sĩ cộng sản dũng cảm. Quý trọng bạn tù Đàm Văn Lý (em ruột Đàm Quang Trung, sau này là thượng tướng QĐNDVN) dám vượt ngục nhưng bị lính dõng bắt được, chặt đầu, đem bêu riếu trước cổng tù mà anh tự đổi tên mình là Nguyễn Văn Lý. Tháng 2/1942, ông được kết nạp Đảng. Tháng 8/1944, cùng nhiều tù chính trị (Song Hào, Trần Thế Môn, Tạ Xuân Thu...) ông tham gia vượt ngục. Trở về với phong trào, Nguyễn Văn Cao (lúc này đã đổi tên thành Nguyễn Văn Lý) nhận nhiệm vụ bảo vệ đoàn cán bộ về xuôi dự Hội nghị Quân sự Bắc kỳ tháng 4/1945 ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau đó quay về Tân Trào đón Bác Hồ. Sau 19/8/1945, Nguyễn Văn Lý cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Trần Thị Minh Châu được cử ở lại Tân Trào, xây dựng An toàn khu. Tháng 10/1945, ông được cử về làm đội trưởng Đội bảo vệ Hồ Chủ tịch.


“Kháng”, cái tên do Bác đặt

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, cơ quan chính phủ bí mật dời lên Việt Bắc theo đường qua Sơn Tây, cắt sông Đà, sông Thao lên Yên Bái... Tại “trạm dừng chân” do đồng chí Nguyễn Lương Bằng chọn ở đồn điền Ba Triệu (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, Phú Thọ), Bác có cuộc hội ý với thư kí, cần vụ, bảo vệ vào ngày 6/3/1947. Nhận định cuộc kháng chiến còn kéo dài, gian khó nên việc giữ bí mật vô cùng quan trọng, đến cả tên của từng cán bộ, chiến sĩ; Bác sẽ đặt tên cho từng người để bảo mật, và đây sẽ là “khẩu hiệu sống” hàng ngày phải nhớ để quyết tâm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Rồi Bác chỉ vào từng người, gọi tên: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi(1). Vậy là Nguyễn Văn Cao (tức Nguyễn Văn Lý) có cái tên mới - “Kháng”. Vì quý trọng ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi, em trai nhà cách mạng Phan Thanh), vị thứ trưởng tài ba đầu tiên của Bộ Nội vụ, vừa đột tử trên đường đi công tác mà ông chọn họ “Hoàng Hữu”.

Đi với Bác đến đầu năm 1951 thì ông được điều sang Ban An toàn khu. Thời gian (1953-1956) là cục phó Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. Từ 1959 cho đến khi nghỉ hưu là cục trưởng Cục Cảnh vệ và được phong hàm thiếu tướng năm 1980...

Bà Trần Thị Thái, vợ ông, cũng là chiến sĩ đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân. Ông bà có 5 người con: 4 trai, một gái mà anh cả Nguyễn Lương Sơn và Nguyễn Lâm cùng là Thiếu sinh quân chống Mỹ.

Tấm ảnh Nguyễn Lâm chụp với Bác

Nhân kỉ niệm 60 năm Ngày truyền thống Thiếu sinh quân Việt Nam (1949-2009), các thế hệ Thiếu sinh quân chống Pháp, chống Mỹ được mời lên dự kỉ niệm tại Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc. Anh Lương Sơn, khi đến An toàn khu - nơi Bác và cha anh đã sống, cũng là nơi anh sinh ra, đã tặng tôi tấm ảnh có hình Nguyễn Lâm chụp với Bác. Anh kể:
“Học kì 2 năm học (1964-1965), giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Lâm cùng 2 em theo trại nội trú của Bộ Công an sơ tán về Thuận Thành, Hà Bắc. Vùng quê ven bờ sông Đuống ríu rít tiếng học trò từ Hà Nội về.

Chiều ấy, theo chúng bạn ra sông. Vừa tới bờ sông thì thấy một bạn gái đang chới với dưới nước rồi cô giáo nhảy xuống cứu. Nhưng cả cô và trò đều không biết bơi, cố vùng vẫy rồi chìm dần. Lao ngay xuống nước, như con rái cá, Lâm lặn sâu rồi vòng ra sau, quàng tay vào cổ bạn, bơi ngửa vào bờ. Sau đó quay ra đón cô.

Nghe tin có cháu nhỏ dũng cảm cứu bạn, Bác Hồ đã gửi tặng huy hiệu. Tháng 8/1965, tổ chức Đoàn các cơ quan Trung ương tổ chức “Đại hội 3 sẵn sàng chống Mỹ cứu nước”. Về dự là thanh niên có thành tích lao động, chiến đấu, gương Người tốt, việc tốt điển hình, nhưng có 2 gương mặt thiếu niên - Nguyễn Lâm cùng Lưu Kim Oanh (diễn viên nhí của Đoàn Xiếc Trung ương).

Từ trên Chủ tịch đoàn, thấy có cháu bé ngồi dưới, Bác hỏi: “Cháu bé có thành tích gì mà được mời dự?”. Ban tổ chức báo cáo: “Đó là cháu Nguyễn Lâm có thành tích dũng cảm cứu bạn!”. “Vậy mời cháu lên đây!”.

Nguyễn Lâm được mời lên. Đứng trước Bác, được Bác xoa đầu và âu yếm hỏi tên tuổi, biết Lâm là con chú Kháng thì bác cười: “Thế ra cháu là con bố Kháng trong tổ bảo vệ cho Bác thời kì chống Pháp? Nghe các chú báo cáo, cháu dũng cảm cứu bạn...” rồi Bác hỏi đã học bơi ở đâu, ai dạy... và tiếp lời “Các cô các chú có thấy, cháu Lâm nhỏ tuổi mà đã có hành động dũng cảm. Qua đây ta rút ra bài học: không chỉ dạy cho các cháu học văn hóa giỏi mà còn phải dạy cả thể thao, bơi lội, phải xây dựng cho các cháu tình yêu thương con người và lòng dũng cảm, dám hy sinh thân mình cứu người. Cháu Lâm là tấm gương sáng cho thanh, thiếu niên ta học tập...”. Quay sang Lâm, Bác nói: “Vì hành động dũng cảm của cháu, Bác đã tặng cháu huy hiệu. Chúc cháu luôn học giỏi, tiến bộ và bơi giỏi hơn nữa! Bây giờ Bác thưởng cho cháu được ngồi cạnh Bác trên hàng ghế chủ tịch đoàn”.
Nguyễn Lâm trước ngày lên Trường được Bác Hồ biểu dương năm 1965

Tháng 10 năm ấy, Lâm nhập trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, đóng quân ở An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên. Và câu chuyện này Lâm chưa kể với ai. Phải 37 năm sau ngày bạn hy sinh, chúng tôi mới biết.


Nguyễn Lâm, người lính Thành cổ Quảng Trị sống mãi!

... Tốt nghiệp chương trình phổ thông, hè 1970, 60 bạn nhập ngũ đợt tập trung đầu tiên. Trong số thi vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngoài quân đội thì Nguyễn Lâm thi vào Học viện Thủy lợi cùng Lê Bình, Vũ Kiên Cường. Năm sau, có lệnh Tổng động viên, cả 3 bạn cùng khoác áo lính. Huấn luyện xong, cả 3 theo sư đoàn 325B bổ sung cho mặt trận Quảng Trị. Là lính trung đoàn 95, Lê Bình và Vũ Kiên Cường vào Thành cổ trước, được ít ngày thì Cường hy sinh (28/7/1972). Bình được thay ra thì Nguyễn Lâm vào và hy sinh ngày 5/9/1972, khi vừa tròn 19 tuổi.

Mẹ Thái đau đớn. Hàng chục năm sau vẫn chưa tìm thấy mộ phần, có người khuyên nhờ nhà ngoại cảm thì mẹ bảo: “Chả cần vì Lâm có nằm ở đâu thì cũng trên dải đất hình chữ S này”. Sau ngày đất nước giải phóng, dịp 27/7 nào, bạn Thiếu sinh quân cũng đến thắp hương cho Lâm. Kì lạ là dù năm tháng qua đi, dù tuổi ngày càng cao nhưng mẹ như có Lâm tiếp thêm sức, vẫn kiên cường sống và thần thái, trí tuệ vẫn rất tinh tường. Và trong một lần đến thắp hương cho Lâm, Nguyễn Mạnh Hùng và bạn bè được nghe mẹ kể lại câu chuyện cảm động.


Ông bà được Bác xe duyên

Ngày 23/9/1945, sau Lễ Độc lập 3 tuần, quân Pháp đã gây hấn ở Nam bộ. Phía Bắc, quân Tàu Tưởng kéo vào giải giáp quân Nhật, các đảng phái phản động Việt Quốc, Việt Cách lợi dụng làm loạn. Việc bảo vệ cơ quan Trung ương, bảo vệ Bác càng cẩn trọng. Các địa chỉ lưu trú của Bác thường xuyên thay đổi.

Một nhà nghỉ ở ngoại ô của ông chủ Trường đua Quần Ngựa (gần dốc Cống Vỵ và chợ Bưởi) được đồng chí Nguyễn Lương Bằng chọn làm địa chỉ đi về. Năm thanh niên trẻ, trung kiên của Tự vệ thành Hoàng Diệu được chọn bảo vệ Bác. Họ đóng vai con em một nhà, gồm: anh Thử, anh Bình, anh An, chị Trần Thị Thái và anh Tuất đầu bếp; còn Bác trong vai người cha, thường đi làm vắng nhà.

Bà cụ 95 tuổi xúc động: “Một đêm cuối tháng 12/1945, xe đưa Bác về cùng anh Lý và anh Vũ Kỳ. Sau khi hỏi thăm từng người, Bác cho gọi riêng tôi lên. Bác thân tình hỏi thăm gia cảnh rồi thăm hỏi chuyện chồng con. Khi biết tôi chưa có gia đình thì Bác ướm thử: “Chú Lý là bảo vệ cho Bác, chú ấy đã có vợ nhưng khi chú bị thực dân Pháp bắt đi đày thì cô ấy đã đi lấy chồng. Giờ, chú là người tự do. Chú ấy là người tốt, cô có thể xây dựng với chú ấy được không?”. Thấy Bác chân tình như một người cha, tôi đồng ý: “Nếu được Bác thương tác thành thì con sẽ theo ý Bác”.

Vì đã sát Tết, lại vì loạn lạc mà chả biết gia đình ở đâu nên Bác xin đứng ra thay mặt cả nhà gái lẫn nhà trai làm chủ hôn. Bác bàn với anh Nguyễn Lương Bằng và chị Lê Thị Thanh, sẽ chỉ mời anh Văn và anh Tô2. Lễ cưới được tổ chức đúng Tết dương lịch 1946. Bữa tiệc cưới có món thịt bò xào do chị Thanh mua ở chợ Bưởi và có chai rượu do anh Văn mang tới... Sau khi chị Thanh mời Bác làm chủ hôn thì Bác nâng li rượu và chúc 2 câu thơ:
“Chúc ông rồi lại chúc bà
Con cháu vui nhà cả gái lẫn trai”.
Sau đám cưới, cô dâu vẫn sống ở đây, còn chú rể thì ngày ngày theo Bác vào thành...”.

*

Năm 2020 này, nhân kỉ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác, và Kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ, xin ghi lại chuyện về cha con, về gia đình thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng - người chiến sĩ cận vệ của Bác!

Nguồn Văn nghệ số 30/2020

______

1. 8 người được bác Hồ đặt tên là: Trường - Võ Trường (tên thật: Võ Chương), mất 1949. Kỳ - Vũ Kỳ (thư kí cho Bác tới 1969). Kháng - Cao, Lý. Chiến - Tạ Quang Chiến. Nhất - Hồ Văn Nhất (dân tộc Tày). Định - Võ Viết Định. Thắng - đầu tiên là Nguyễn Quang Chí, sau là Triệu Văn Cắt. Lợi - Trần Đình.

2. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng.
Nguồn: Báo Văn nghệ - 09:35 25/07/2020

0 nhận xét:

Đăng nhận xét