Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

XIN ĐỪNG GỌI ANH LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ


Hai Bac Tran 25 Tháng 7/2018 lúc 20:00 ·

XIN ĐỪNG GỌI ANH
LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH


Trải qua nhiều năm chiến tranh, trên đất nước ta còn khoảng 700.000 ngôi mộ liệt sỹ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Nhiều người để ý thấy lâu nay dòng chữ “Liệt sỹ vô danh” trên các bia mộ ấy đã được thay bằng “Liệt sỹ chưa rõ họ tên”. Nhưng không phải ai cũng biết câu chuyện đằng sau sự việc.
Cách đây 25 năm, có một nhà báo ở Nghệ An tên là Văn Hiền vì trăn trở trước sự hy sinh của các liệt sỹ trong chiến tranh và nỗi đau của hàng chục vạn gia đình còn chưa biết người thân ngã xuống nay nằm đâu, đã viết bài thơ đầy cảm xúc có tựa đề “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh”.
Một thời gian sau khi bài thơ ra đời Đài Truyền hình VN dựng phim “Không ai là vô danh”. Hội Cựu Chiến Binh VN đã ra nghị quyết đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khắc lại các bia mộ chưa tìm được tên tuổi liệt sỹ.
Để tưởng nhớ những người nằm xuống, bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh” đã được khắc lên các tấm bia dựng trên một số nghĩa trang liệt sỹ lớn.
Có lần nhà văn nữ Đàm Quỳnh Ngọc hỏi nhà báo Văn Hiền “Anh đã nhận những giải thưởng gì cho bài thơ Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh?”. Anh Văn Hiền trả lời: “Chưa lần nào, với lại làm thơ có ai nghĩ để được giải thưởng đâu? Mình có bài thơ được sống cùng thời gian theo lịch sử, lại được khắc vào đá, đó là tặng thưởng quý nhất, còn có gì hơn thế nữa?”
...
Cuối năm ngoái vợ chồng tôi được ghé qua Nghệ An trong vài tiếng đồng hồ. Nửa thế kỷ mới gặp lại Quốc Sủng và Thúc Minh là bạn học thời Thiếu sinh quân. Chúng tôi được 2 bạn đưa ra nghĩa trang Đức Thọ thắp hương cho Nguyễn Văn Ngọc, bạn Thiếu sinh quân vào lính phòng không và hy sinh 1968 ngay trên mâm pháo khi bảo vệ TP Vinh. Trên đường đi tôi gọi điện hẹn gặp anh Văn Hiền. Mặc dù đã nhiều lần gặp nhau qua điện thoại từ khi may mắn gặp được bài thơ xúc cảm của anh rồi phổ thành bài hát, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Anh Văn Hiền hơn chúng tôi chừng dăm tuổi, năm tháng gian lao hằn in trên dáng mặt. Thời chiến tranh anh là công nhân cầu đường, đã qua khắp các “túi đựng bom” của Không quân Mỹ như Hàm Rồng, Bến Thủy, Long Đại, Lai Vu... Một ngày anh đau đớn nhận tin cha mình là Trần Văn Ngoạn vốn là lính công binh Đại đoàn 312 đã tham gia trận Điện Biên Phủ, nay hy sinh ở Trường Sơn. Hòa bình lập lại, anh lặn lội khắp các nghĩa trang tìm mộ cha và các liệt sỹ nhà báo, lòng quặn thắt mỗi khi đứng trước những tấm bia mộ khắc vẻn vẹn một dòng “Liệt sỹ vô danh”. Và bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh” đã ra đời trong một những chuyến đi như vậy. Tôi đã gặp được Văn Hiền chỉ trong 1 giờ đồng hồ, cùng nhau ăn vội một bữa cơm, được anh tặng 3 cuốn sách rồi lại lên đường bay ra Hà Nội.
...

XIN ĐỪNG GỌI ANH
LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH

(Album: “Hành khúc ngày bình yên”)
Thơ: Văn Hiền; Nhạc: Trần Bắc Hải

Mẹ sinh thành tròn tháng tròn ngày
Cha đặt tên chọn tuổi chọn mùa
Lớn lên cùng vụ cày vụ hái
Nắng trải nước vẫn còn trong
(Điệp khúc)
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh!

Bàn chân trần săn chắc dáng trai
Nhớ củ khoai hạt lúa nuôi người
Phút lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vương không rời

(Điệp khúc)

Bình yên ngày tan khói chiến tranh
Anh trở về chẳng tên chẳng tuổi
Những ngôi sao mộ bia chẳng nói
Rưng rưng tiếng lá cỏ xanh

(Điệp khúc)

Tổ Quốc không mất tên Anh
Tổ Quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
Nỗi đau xanh cùng năm tháng
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh!

...



Tran Kienquoc đã chia sẻ một kỷ niệm. 27/7/2018 06:20

Đọc "Liệt sỹ vô danh" của Trần Bắc Hải, tìm lại được bài viết gặp người đề đạt chuyện này với trên
Tran Kienquoc 27 Tháng 7, 2017 · Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ·
Chuyện kể sớm ngày 27/7:

Liệt sỹ vô danh và
Liệt sỹ chưa biết tên


Chiều qua, có cuộc hội ngộ do Mười Bạc tổ chức tại Bia Tiệp Phổ Quang. Gặp được anh Tư Bửu (HSMN, nguyên giám đốc Sở TDTT TP), Lê Tất Thắng k4, Tâm và Thanh - 2 bạn Tất Thắng, Nhất Trung ở Quy Nhơn. Trò chuyện vui vẻ nhưng ấn tượng nhất là chuyện xuất xứ của mấy từ "Liệt sỹ chưa biết tên" do Tất Thắng kể.
... Chú Trần Trọng Tân (Hai Tân) sinh năm 1926 tại thôn Tân Mỹ, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, từng là Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị (1950), Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam (1961-1967), Ủy viên Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia (1980-1986). Kháng chiến chống Mỹ, có thời kỳ chú hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn, bị địch bắt đày ra Côn Đảo giam cho đến 1975. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chú được bầu vào BCHTW, phân công làm trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TW. Thời gian (1991-1996), là Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Tất Thắng sau khi chuyển ngành được về làm thư kí cho chú Hai Tân.
Năm 1993, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị AHLLVT, Thắng được tháp tùng chú về dự. Đi suốt dọc các tỉnh miền Trung, đặc biệt tỉnh Quảng Trị, thấy vô vàn các mộ Ls trong các NLTS từ xã, huyện đến tỉnh. Trong đó có cũng vô vàn các mộ gắn bia "Liệt sỹ vô danh".
Ngồi trên xe vừa buồn, vừa thấy có điều gì đó canh cánh trong lòng. Thắng nghĩ, tại sao lại gọi là Liệt sỹ vô danh? Ai sinh ra ở trên đời này mà chẳng có danh, ai lại không được cha mẹ đặt cho cái tên? Sao lại bảo họ không có tên? Nhớ lại thời gian học tập ở Liên-xô, khi đến viếng các NTLS hay thăm ngọn lửa vĩnh cửu thì thấy gắn trên bia mộ là "Njeizvestnyi Soldat", nghĩa là người lính chưa được biết tên.
Thắng trao đổi điều này với chú Hai Tân. Vốn là bạn tù Côn Đảo với chú Lê Toàn Thư, ba Thắng, chú hiểu ngay những gì Thắng muốn nói. Từng là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa, chú suy nghĩ kĩ rồi sau đó đề đạt với Ban Bí thư. Từ ngày đó, tại các NTLS đã có thay đổi, các bia ghi "Liệt sỹ vô danh" được thay bằng "Liệt sỹ chưa biết tên".
"Ngày mai kỉ niệm 70 năm Ngày TBLS, tôi rất tự hào là người đã phát hiện và đề đạt để những người có trách nhiệm sửa đổi cho đúng 1 cái tên gọi. Chả phải là ông nọ bà kia nhưng cũng thấy tự hào", Tất Thắng chia sẻ.
Tôi cũng thấy tự hào vì có thằng bạn đã làm được 1 việc tốt. Ở đời, mỗi người cứ làm được 1 việc tốt trong 1 ngày thì cả xã hội ta sẽ mau chóng tốt đẹp lên.



Nhà báo Văn Hiền - nguyên TBT báo Nghệ An, nay là trưởng đại diện cho Tạp chí Người làm báo. (Ảnh: Nguyễn Phê)
Tấm bia khắc bài thơ.... (Ảnh: Nguyễn Phê)
Nhà báo Văn Hiền bên tấm bia đá khắc bài thơ của mình vừa được Bộ LĐTB-XH chấp thuận đặt tại nghĩa trang Việt - Lào. (Ảnh: Nguyễn Phê) - Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An)

XIN ĐỪNG GỌI ANH
LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.

Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân người.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
Nỗi đau xanh cùng năm tháng.

VĂN HIỀN - 7/1993

0 nhận xét:

Đăng nhận xét