Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

MỘT KÝ ỨC KHÓ QUÊN THỜI HOA LỬA - Hồi ký của Vũ Văn Toàn

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

FB Tran Kienquoc 21/7/2018

MỘT BÀI VIẾT CỦA ĐỒNG ĐỘI VỀ DOANH


Quang Bắc, Xuân Minh, Công Chính, Chí Hòa... và tôi có Nguyễn Hồng Nam là bạn từ ngày đi Trại Nhi đồng Miền Bắc năm 1958, 59 ở 20 Thụy Khê.
Nam là cựu sinh viên Bách khoa, đi lính 1971 cùng Trịnh Thúc Doanh, cùng ra mặt trận Quảng Trị. May mà còn về.
Nam có trong tay bài viết này và còm trong bài viết "Mộ gió" của tôi. Nay xin đăng lại:
Nguyễn Trà Vinh - bạn học cùng lứa với Trịnh Thúc Doanh, cùng khóa K15 CTM ĐHBK với Nguyễn Dũng và tôi, cùng gia nhập đoàn binh 6971. Nguyễn Trà Vinh cùng ở C16 E95 với Trịnh Thúc Doanh.
Hôm nay là Ngày giỗ LS Trịnh Thúc Doanh, cùng đại đội c16, E95, F325 - Lính SV 6971 - Sinh viên K15 A CTM ĐHBK HN.
Doanh hy sinh sau khi chuyển sang đơn vị khác cũng trong Trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ QT. Mẹ LS có làm giỗ gọi bọn tôi đến thắp hương cho đồng đội, cho bạn mình. Năm nay do hoàn cảnh ko đi được nhưng vẫn nhớ!
Xin phép được trích đăng lại Hồi ký của Vũ Văn Toàn (CCB cùng Trung đoàn) Người đã chứng kiến Trịnh Thúc Doanh hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn:
Ảnh trong bài: "43 năm - Liệt Sỹ Trịnh Thúc Doanh K5" - NgoTheVinh, 21/9/2015, Blog "Bạn Trỗi K5".
Nâng cốc mời rượu Trịnh Thúc Doanh.
Từ phải qua trái: Anh Dương, Nguyễn Dũng, Nguyễn Trà Vinh, Ngô Thế Vinh, Đinh Kim Khôi, Hoàng Việt Dũng, Nguyễn Tuấn Kiệt, Vũ Văn Toàn, Hoàng Văn Thông, anh Trung. Trong đó Nguyễn Dũng, Nguyễn Trà Vinh, Vũ Văn Toàn, Hoàng Văn Thông đều là các "Lính sinh viên" Thành Cổ Quàng Trị cùng đơn vị với Trịnh Thúc Doanh. Đặc biệt có Vũ Văn Toàn là Lính bắn tỉa tại Thành Cổ, là người ở cùng Trịnh Thúc Doanh chứng kiến lúc Trịnh Thúc Doanh hy sinh. Điều nay đã được Vũ Văn Toàn viết trong Hồi ký của mình với nhan đề "Một ký ức khó quên thời Hoa Lửa". Tôi sẽ có dịp giới thiệu với các bạn Hồi ký này phần có nói đến Trịnh Thúc Doanh và sự chứng kiến lúc Doanh hy sinh.



MỘT KÝ ỨC KHÓ QUÊN
THỜI HOA LỬA

Hồi ký

Trời tối đen như mực, tôi và Phú đen cắt ngang cánh đồng lần theo ven quốc lộ 1 qua sân bay Ái Tử đi về hướng bãi vượt Nham Biều để sang Thành cổ Quảng Trị. Hai thằng cứ lầm lũi khom khom để đi, trên đầu máy bay địch gầm rú thi nhau trút bom, cùng với pháo kích trong đất liền và pháo từ ngoài biển bắn vào tạo ra những tiếng nổ xé trời, những tia chớp loằng ngoằng, làm mặt đất lúc nào cũng rung lên. Tuy phải tránh bom, pháo nhưng cũng chính những tia chớp và pháo sáng lại giúp chúng tôi xác định hướng đi rõ hơn.

Tôi và Phú đen cứ bám sát nhau đi, bất thần nghe tiếng ú xoẹt của quả pháo kích địch hai đứa nhảy xuống hố bom bên cạnh, như một phản xạ tự vệ giữa cái sống và cái chết. Tiếng nổ chát chúa làm đất tung lên khét lẹt rơi xuống nơi tôi và Phú đang ở dưới. May mà nó nổ cách chúng tôi hơn chục mét.Tôi gọi hỏi Phú:
- Có làm sao không mày?
- Không sao- Phú trả lời
Dù không ai bị thương, nhưng cả hai chúng tôi đều bị mắc kẹt bởi những dây thép gai bùng nhùng sắc nhọn, chắc khi dọn sân bay Ái Tử anh em vứt xuống. Chúng tôi cứ ra sức gỡ nhấc được chân này thì chân kia lại mắc vào đám bùng nhùng. Tôi bảo Phú cởi ba lô và súng quẳng lên bờ để tay rảnh bám vào đất nhoài người lên. Mãi sau thì hai đứa cũng thoát được lên miệng hố bom, dù chân tay đứa nào cũng ứa máu.
- Thế là thoát khỏi cái bẫy nguy hiểm này- Phú cười.
Hai đứa lại tiếp tục lần theo hướng để về bến vượt Nham Biều đối diện. Bên ấy là Dinh Tỉnh trưởng, nơi Sở Chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 95 mà tôi và Phú được điều sang để tăng cường chốt bảo vệ. Tìm được bến vượt, chúng tôi chỉ mặc một chiếc quần lót, còn cho hết vào trong phao bơi buộc chặt, ôm phao sẵn sàng, chờ khi pháo địch chuyển làn là vượt sông. Đứa nào cũng cảm thấy hồi hộp. Tất cả anh em được tăng cường sang Thành đều có chung tâm trạng như vậy. Đến mép bờ sông Thạch Hãn, chúng tôi thấy anh em đơn vị vận tải nổ xuồng máy chở vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm để tiếp tế cho tuyến trước đồng thời chở thương binh ra tuyến ngoài cứu chữa. Nhìn cảnh quân ta ra vào tấp nập, tôi và Phú như được tiếp thêm nghị lực vượt sông. Hòa cùng đoàn quân sang chi viện cho tuyến trước, khi bơi tiến sát gần bờ phía nam cách chừng 2-3 mét, thấy phập phồng những bóng đen nổi trên mặt nước, tôi choàng tay vào xem thử thì rủn cả người. Đó toàn là những xác người đã bắt đầu trương lên lập lờ trôi. Tôi cố bơi vào bờ càng nhanh càng tốt, vừa để thoát ra khỏi cảm giác kinh hãi, vừa tránh pháo kích của địch. Leo lên bờ, tôi và Phú chạy luôn vào Dinh Tỉnh trưởng. Nơi này đã bị bom đạn đánh sập chỉ còn tầng ngầm để đặt Sở Chỉ huy tiền phương của trung đoàn và tiếp nhận sơ cấp cứu thương binh và chờ đến tối chuyển về tuyến sau. Sở Chỉ huy cách địch không xa. Tôi và Phú được phân đi chốt phía tây cách Dinh Tỉnh trưởng khoảng 500- 600m gần tuyến đường vào Thành cổ.

Chúng tôi ngồi trong chiếc hầm chữ A bị bom pháo đánh xập xệ, dưới nền đất nhão đen mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dù khó chịu, nhưng chẳng còn cách nào khác, vì sự sống và cái chết cận kề nhau nên cứ chui vào đó để chốt. Trong ánh sáng lờ mờ, ngồi phải khom lưng bó gối, mỏi lưng thì thay nhau đứa ngồi đứa nằm. Ban ngày chúng tôi không đi ra ngoài để tránh địch phát hiện, chỉ quan sát qua khe hở tấm bê tông, nhưng vẫn phải đề phòng với bọn máy bay do thám L19 và VO10 vo vo bay suốt ngày đêm tuần tiễu trên đầu. Không dám ra ngoài, tiểu ở trong hầm sợ mùi, thằng Phú sáng kiến khom lòng bàn tay để hắt ra ngoài. Thỉnh thoảng một quả pháo ĐK của địch bay chéo qua cửa hầm sang bên Nham Biều, viên đạn đỏ lừ qua khe hở. Nhưng âm thanh chát chúa của tiếng pháo ta bắn chi viện, tiếng pháo địch cùng những tiếng gầm rú trút bom của B52 và các loại phản lực thi nhau quần đảo trút bom làm cho đầu chúng tôi lúc nào cũng như muốn nổ tung lên. Thỉnh thoảng Phú đen lại lấy 2 ngón tay nút vào hai lỗ tai, miệng lẩm bẩm chửi Mỹ, ngụy cậy nhiều tiền của đến đây bắn phá không tiếc đạn bom, bọn tao cũng không sợ.

Toàn bộ khu vực thị xã Quảng Trị đêm cũng như ngày pháo sáng bắn liên hồi, pháo, bom nổ làm mảnh đất này như rung lên, dưới sông các cột nước tung lên dựng đứng rồi rơi ào ào xuống. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng AK và hỏa lực của quân ta đánh lấn chiếm. Đêm xuống, những chiếc xuồng của ta chở vũ khí đạn dược cùng nhu yếu phẩm để tiếp tế chi viện cho tuyến trước và vận chuyển thương binh về tuyến sau. Dưới mưa bom bão đạn, bất chấp hiểm nguy, anh em vẫn vận chuyển thương binh ra rồi nhận vũ khí trang thiết bị, lương thực vào chốt, anh em được bổ sung vào các đơn vị chiến đấu tỏa đi các hướng…

Một buổi tối, tổ chốt của tôi được bổ sung thêm một người. Đêm tối lờ mờ chẳng nhận rõ mặt, một người lò dò đi đến. Nhận rõ khẩu lệnh, tôi vội kéo anh ta vào trong hầm, thu xếp xong chỗ, tôi hỏi:
- Cậu quê ở đâu, mới vào à?
- Tớ tên là Doanh, quê ở Hà Nội, là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Bách Khoa- đồng đội mới trả lời.
Qua hỏi thăm lẫn nhau, chủng tôi còn biết, bố mẹ Doanh đang công tác ở viện Quân y 108.

Từ khi bổ sung thêm người, chốt chúng tôi lại nảy sinh thêm vấn đề về sinh hoạt. Đó là hầm hai đứa đã chật, bây giờ thêm một thằng nữa lại chật hơn, không khí ngột ngạt vô cùng. Cái khó ló cái khôn, để đỡ vướng víu, ba thằng chúng tôi chỉ cởi trần mặc quần lót nằm ngồi thay nhau. Qua mấy hôm, bùn đất bám vào khắp người hết lớp này đến lớp khác, tóc lâu không cắt, quánh lại, bết trên đầu.

Doanh mới vào, nên có thêm một số nhu yếu phẩm của hậu phương. Một hôm, nó quờ tay vào ba lô vớ được hộp sữa đặc, nó reo lên: “Ôi, quà của mẹ tao chuẩn bị cho, mang từ Hà Nội vào”. Bao ngày ăn uống thiếu chất, nhìn hộp sữa, tôi và Phú đen phát thèm, cứ hau háu bảo Doanh mở uống luôn. Nhưng cả bọn loay hoay một lúc mà không làm thế nào mở được. Cuối cùng Phú đen nghĩ ra kế là dùng cái thông nòng súng đục hai lỗ, thay nhau hút. Hộp sữa quay một vòng qua ba thằng là hết. Do sữa đặc nhiều đường, đứa nào cũng khát nước. Sẵn có bi đông nước lấy ở sông Thạch Hãn tối trước, ba đứa thay nhau tu. Chỉ một lát sau, bất chợt, bụng đứa nào cũng sôi ùng ục, cứ cười hoặc ho là không kiềm chế được sự thiếu tế nhị. Nhưng do hoàn cảnh bắt buộc và do sự tự điều chỉnh cho thích nghi của cơ thể cơn đau bụng cũng dần yên, dù chẳng có thuốc thang gì.

Vào một đêm, tôi đang phiên canh gác, bỗng thấy anh em mình ở các chốt lần lượt đi về và thông báo có lệnh rút khỏi thành. Tôi gọi Phú và Doanh dậy và nhanh chóng lấy túi ni lông cho ba lô súng đạn vào buộc chặt để chuẩn bị vượt sông rút về tuyến sau. Anh em ở các hướng chốt cũng đang về và chuẩn bị ngớt đợt pháo kích của địch là vượt sông về phía bắc sông Thạch Hãn. Hình như địch cũng đã phát hiện ta rút quân nên chúng bắn pháo cản đường tới tấp, nước sông Thạch Hãn như sôi lên. Bên cạnh đó, vì nhiều ngày liên tục Quảng Trị mưa rất to, nước sông lên nhanh làm cho mặt sông rộng thêm. Những yếu tố ấy cùng với sự mệt mỏi qua thời gian chiến đấu bảo vệ Thành Cổ làm cho anh em vượt sông khó khăn thêm. Thấy pháo địch ngớt tất cả anh em ào xuống vượt sông. Có người thì bị trôi mất phao, có người lúng túng vì không biết bơi, thỉnh thoảng có tiếng kêu cứu yếu ớt vọng lên rồi tắt dần. Trên trời pháo sáng địch bắn dày làm sáng rực cả dòng sông, máy bay địch gầm rú cộng với những bước chân người, tiếng gọi nhau làm náo động cả dòng sông. Ba chúng tôi tiến về bờ sông, thằng Doanh nhanh nhảu tìm được đường xuống trước còn tôi và Phú lùm tùm chưa xuống được. Bất ngờ có tiếng nổ dưới sông nơi thằng Doanh vừa xuống, tôi và Phú ngã té ngửa trở lại trống ngực đập thình thịch. Sau khi bật dậy, tôi lao ra chỗ pháo vừa nổ gọi tìm Doanh nhưng không thấy, chúng tôi nghĩ Doanh đã hy sinh và trôi đi rồi mà không làm cách nào khác. Tiếp tục vượt sông, tôi và Phú bơi gần nhau chỉ được một đoạn rồi bị trôi xa mỗi đứa một nơi. Chiếc phao bơi của tôi to, nước chảy siết kéo trôi đi rất nhanh không theo ý mình được. Một lúc sau thì chiếc phao tuột khỏi tay và trôi đi mất. Bơi tay không, rất lâu sau tôi mới vào được bờ, cảm thấy may mắn bởi thời gian bơi không có pháo địch. Vừa chạy vừa tránh pháo sáng khỏi rơi vào đầu, tôi thầm thở phào may mà mình là dân quê, biết bơi lội từ bé nên vượt được cửa ải chết người này. Chạy thục mạng vào được làng Nham Biều, chui đại vào một căn hầm chữ A xiêu vẹo, tôi nằm nghỉ cho đỡ mệt, nhưng rồi ngủ lúc nào không biết, khi tỉnh dậy nước đã ngập nửa người do trời mưa nước chảy xuống. Ngoài trời đã sáng, lại phải ngồi nguyên đợi đến tối tôi mới tìm đường về đơn vị.

Sau này, dù đã tham gia nhiều trận đánh lớn, qua nhiều lần chỉ cách cái chết trong gang tấc nhưng những ngày tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vẫn không thể nào phai nhạt trong tôi.

Vũ Văn Toàn

Nguồn "tuyengiaohungyen.vn" Trang Thông tin điện tử - BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY HƯNG YÊN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét