Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

HỔ PHỤ SINH HỔ TỬ

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ
27/7/1947-27/7/2017

(Bài gửi Báo Tuổi Trẻ nhân dịp 27/7/2017)




Ngôi trường vinh dự mang tên Anh
Chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi anh dũng hy sinh ngày 15-10-1964. Tròn một năm sau, ngày 15-10-1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập nhà trường mang tên Anh. Ngày khai giảng đầu tiên được tổ chức ở cửa rừng An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái – An toàn khu thời chống Pháp. Ngay từ khi khoác bộ quần áo quân phục nhập trường, các bạn đã tâm niệm lời Bác Hồ dạy: Lấy tên Anh Trỗi đặt cho trường để các em noi theo gương Anh!
Chỉ tồn tại 5 năm (1965 – 1970), Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (thuộc Tổng cục Chính trị) đã giáo dục 8 khóa với 1200 học sinh (từ lớp 5 đến lớp 10) - là con em gia đình có công, gia đình cán bộ trong và ngoài quân đội đang chiến đấu ngoài mặt trận. Sau đó, gần 900 em nhập ngũ và được đào tạo trở thành sĩ quan, hơn 1000 học sinh có trình độ kĩ sư, bác sĩ, cử nhân; hơn 100 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư... Sau hơn nửa thế kỉ phấn đấu, rèn luyện, có 3 trung tướng, 15 thiếu tướng cùng hàng trăm sĩ quan, cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - học sinh khóa 5, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Mái trường ấy còn tự hào với 2 thầy giáo (Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Đăng Đạo) và 28 học sinh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Ban Liên lạc phía Nam cùng thầy, cô giáo và chị Phan Thị Quyên viếng mộ anh Trỗi, ngày 15-10-2004.
Ban Liên lạc phía Nam cùng thầy, cô giáo và chị Phan Thị Quyên viếng mộ anh Trỗi, ngày 15-10-2004, dịp thầy Phú, thầy Bính từ HN, thầy Tiến từ Nha Trang vào thăm TPHCM.
Hàng đứng bên trái mộ Anh: Tấn Mỹ, Nam Điện, Chỉnh Huấn, Lê Võ Tiến Hưng, thầy Phú, cô Thục, chị Quyên. Phải: thầy Tiến, thầy Bính, thầy Trọng, Phương (cháu Anh Trỗi), Hoài Nam.
Ngồi: Phan Nam, Dương Đức Hải, Kiến Quốc, Nguyễn Hữu Hà, Dương Minh, Thiệp, Tất Tuấn, Anh Minh, Công Trường, Đậu Châu, Hồ Bá Đạt.




Những người bạn hy sinh đầu tiên
Hè năm 1966, trong những ngày lao động xây dựng doanh trại, bạn Nguyễn Lâm Duy (học sinh khóa 4) đã dũng cảm hy sinh khi chặt cây, lấy gỗ trong rừng An Mỹ. Lâm Duy được TCCT công nhận là liệt sĩ Thiếu sinh quân. Ba của Lâm Duy là thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, tư lệnh đầu tiên của Liên khu 5 thời chống Pháp và cũng là tư lệnh đầu tiên của binh chủng Tăng – Thiết giáp (1970). Những ngày này, đọc lại cuốn hồi kí “Ngược Bắc, Xuôi Nam” của ông, có nhắc lại sự hy sinh của Lâm Duy.
Còn học sinh hy sinh đầu tiên trên chiến trường là liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc (khóa 4). Ở Ngọc, hoàn cảnh khá đặc biệt, bố hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, năm 1954, mẹ Ngọc xây dựng với chú Nguyễn Chí Điềm (nguyên tư lệnh Bộ đội Dù, sau là tư lệnh Đặc công). Với chí căm thù giặc, Ngọc cùng Đỗ Tấn Mỹ, Tô Văn Hoành xin nhà trường cho đi chiến đấu. “Ba anh em Lưu – Quang – Trương” thề sống chết có nhau và được điều về sư đoàn phòng không 361 bảo vệ vùng trời Hà Nội, sau đó cùng sư đoàn 367 vào bảo vệ vùng trời Thành Vinh. Ngày 10-10-1968, Ngọc chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo, trước ngày giặc Mỹ “ném bom hạn chế” ra miền Bắc có vài tuần.

Và danh sách anh hùng, liệt sỹ thêm kéo dài…
Trong số 30 liệt sỹ của nhà trường, Huỳnh Kim Trung (khóa 5) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cuối năm 1973. Đang là học viên trường Trung cấp Cảnh sát Suối Hai, Ba Vì, Trung xung phong vào mặt trận Quảng Bình, tham gia giải tỏa ách tắc giao thông ở “điểm chốt” - bến phà sông Gianh. Hết đợt thực tập, đã có danh sách rút về trường nhưng Trung xin ở lại. Ngày 20-8-1972, khi đang cùng đồng đội di dời những thùng đạn tới nơi an toàn thì Trung bị thương. Biết mình không qua khỏi, Trung giục đồng đội hãy cứu người bị nhẹ hơn. Sau đó, Huỳnh Kim Trung đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi 20. Ba của Kim Trung là đại tá, kiến trúc sư Huỳnh Kim Trương. Năm 1947, bác đã là tham mưu phó Bộ tư lệnh Quân khu 7 và sau 1975, có nhiều đóng góp cho việc quy hoạch TPHCM. Năm nào, tổ chức đám giỗ cho con trai, cụ cũng không quên mời chúng tôi.

Học sinh khóa 1, kĩ sư vũ khí Bùi Hữu Thích, sau khi tốt nghiệp Đại học Quân sự đã nhận nhiệm vụ về Lữ đoàn Tăng 203, làm trợ lí quân khí. Trên đường hành quân vào Nam, khi cả đoàn xe bị đánh bom, anh đã dũng cảm nhảy lên thay thế đồng chí lái xe đã trúng đạn hy sinh, đưa xe chở đầy đạn tới nơi an toàn. Chiều ngày 22-8-1972, khi nhận nhiệm vụ đi tiếp nhận đạn pháo xe tăng từ Hậu cần chiến dịch, gần đường số 9 Nam Lào, anh đã hy sinh khi bị 3 máy bay phản lực bổ nhào, thả bom xuống đội hình. Trung tá Bùi Hữu Xích, ba anh, có nhiều năm công tác ở Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) luôn tự hào vì con trai mình đã không làm hổ danh gia đình.

Khóa 3 của nhà trường có 3 liệt sĩ, đó là Lê Minh Tân (hy sinh: 1-4-1974), Cao Quốc Bảo (7-5-1975), Ngô Ngời (1-7-1979).
Cũng như Ngô Ngời, Lê Minh Tân đang là sinh viên Bách khoa Hà Nội thì có lệnh Tổng động viên. Sau huấn luyện, anh về đơn vị C23, Đoàn A16, Bộ đội Tăng – thiết giáp Tây Nguyên. Vào đến chiến trường, anh không viết một dòng thư về cho ba má vì đã hứa “bao giờ được kết nạp Đảng mới viết thư về nhà!”. Gia đình nhận được lá thư đề ngày 26-3-1974. Không ngờ rằng, đó là lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng! Đúng 6 ngày sau, ngày 1-4-1974, Lê Minh Tân đã anh dũng hy sinh tại cây số 34, đường 46B, cách sân bay Khâm Đức 8km, thuộc mặt trận Quảng Nam. Thân phụ liệt sĩ, đại tá Lê Bưởi có nhiều năm công tác tại Bộ Tổng tham mưu, đã gửi cho chúng tôi lá thư và di ảnh quý giá của liệt sĩ. Cho tới ngày 14-5-2007, sau 33 năm thất lạc, Ban liên lạc cựu chiến binh Tăng – Thiết giáp, gia đình và đồng đội Trường Trỗi đã đón anh từ Quảng Nam về Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM.

Cùng với liệt sỹ Nguyễn Lâm Duy và Nguyễn Văn Ngọc, khóa 4 còn 2 liệt sỹ Vũ Chí Dũng và Nguyễn Văn Ơn. Trường hợp liệt sĩ Vũ Chí Dũng cũng thật đặc biệt. Tốt nghiệp lớp 10, được tham gia khám tuyển và Dũng đủ tiêu chuẩn đi học lái máy bay chiến đấu ở Liên-xô. Nhưng anh kiên quyết xin đi chiến đấu. Bác Vũ Công Thuyết, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, vui vẻ động viên con lên đường. Từ một người lính, bạn phấn đấu trở thành trung sĩ, tiểu đội phó và hy sinh ngày 6-12-1971, tại Kon Tum. Sau này, gia đình đã đón Dũng về quê hương.

Cùng liệt sỹ Huỳnh Kim Trung, khóa 5 còn có các liệt sĩ Võ Dũng, Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh và Phạm Văn Hạo.
Võ Dũng trong số học sinh từ Nam bộ vượt qua sự bao vây của kẻ thù, ra tới miền Bắc XHCN. Dũng lên nhập trường vào hè năm 1965 thì năm 1966, má Trần Kim Anh cùng hai em (Phan Thị Ánh Hồng và Phan Chí Tâm) đã hy sinh trên đường lên R nhưng chú Sáu Dân (ba Dũng, sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã giấu không cho Dũng và Hiếu Dân hay. Tới năm 1968, linh cảm thấy chuyện không lành xảy ra, Võ Dũng xin nhà trường nghỉ học để về Nam chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện ở Quân chính Quân khu Tả Ngạn, tháng 8-1969 Dũng nhập Trường Huấn luyện cán bộ đi B (105B) ở Hòa Bình. Ngày cô Bảy Huệ, dì Tư Duy Liên cùng em Hiếu Dân lên thăm, Dũng đã hứa “Lần này con đi, một – xanh cỏ, hai – đỏ ngực!”. Các chú muốn sắp xếp cho Dũng đi đường hàng không qua Campuchia, Dũng không chịu: “Ai cũng hành quân dọc Trường Sơn về Nam thì sao con có thể làm khác?”. Tới căn cứ B2, ba, con gặp nhau mừng tủi nhưng Dũng nằng nặc xin về đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Chú Sáu phải gật đầu.
Các chú xếp Dũng về đơn vị Thông tin, nơi ít phải giáp mặt với quân thù; nhưng Dũng lại xin về Rạch Giá: “Má cháu đã bị giặc giết hại, các chú phải cho cháu về quê má chiến đấu”. Tháng 6-1971, Dũng được điều về Mặt trận T3 thuộc Khu 9. Tháng 10 năm đó, Dũng xin bằng được cho về Trung đội 2 trinh sát (Tiểu đoàn 3). Dũng hăng hái lặn lội trinh sát cùng anh em, no đói, gian khổ cùng sẻ chia. Sáng sớm ngày 21-4-1972, Dũng cùng 2 đồng đội đi trinh sát và bị sa vào ổ phục kích. Cả 3 anh em hy sinh. Võ Dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi 21, ngay trên kênh Tây Ký (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Rạch Giá), quê hương má Trần Kim Anh.
Khóa 5 có nhiều bạn chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm nhưng có 3 bạn nằm lại nơi ấy: Vũ Kiên Cường (27-7-1972), Nguyễn Lâm (05-9-1972) và Trịnh Thúc Doanh (16-9-1972). Khóa 5 còn có Phạm Văn Hạo (28-6-1971) dám đổi tên thành Phạm Vũ Nhân trong đơn tình nguyện nhập ngũ.

Khóa 6 có 6 liệt sỹ: Nguyễn Mạnh Minh (25-3-1972), Đỗ Khắc Tiến (02-6-1972), Võ Nguyên Trọng (05-6-1972), Đặng Bá Linh (26-8-1972), Chu Tấn Quang (29-12-1973), Nguyễn Tiến Quân (29-2-1979). Ở bạn nào cũng có những câu chuyện hết sức cảm động!
Võ Nguyên Trọng là con bác Võ Nguyên Lượng, nguyên bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa. Sau mấy tháng trời hành quân đến Tây Nam bộ, Trọng được bổ sung về sư đoàn 1, Quân khu 9. Thượng tá Phạm Quang Thư, đồng đội của Trọng, kể lại, bác Lượng gương mẫu động viên con ra mặt trận nên cả tỉnh Thanh ngày ấy rất đông thanh niên nhập ngũ... Lần đi cùng thủ trưởng trung đoàn xuống đơn vị về, Trọng bị thương do đạn pháo bắn trúng ổ bụng. Được cấp cứu nhưng mất máu quá nhiều, Trọng hy sinh ở xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang (gần Ngã ba Hòn Chông). Nhưng mộ phần thất lạc suốt 39 năm, cho đến khi tìm được danh sách có vị trí chôn cất 9 chiến sĩ, đội quy tập Quân khu 9 đã tìm được 8 bộ hài cốt. Sau khi gửi về Viện Khoa học Việt Nam, tra cứu bằng phương pháp thử AND, đã xác định chính xác. Năm 2011, Trọng được đón về yên nghỉ bên mẹ.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trung úy Nguyễn Tiến Quân (con trai trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên tư lệnh Đoàn 559) đã anh dũng hy sinh ở mặt trận Lạng Sơn, vào sớm ngày 19-2-1979.

Khóa 7 có 7 liệt sỹ: Lại Xuân Lợi (2-5-1972), Trần Hữu Dân (28-8-1972), Y Hòa (16-10-1972), Đặng Đình Kỳ (14-9-1974), Nguyễn Đức Thảo (28-4-1978), Ngô Tất Thắng (1-1-1979), Nguyễn Khắc Bình (?).
Y Hoà, Nguyễn Chấn Hưng, Lê Văn Nho là 3 bạn cùng nhập ngũ ngày 6-1-1972 tại Hà Nội và cùng đầu quân về sư đoàn 312. Trong “Mùa hè đỏ lửa” Y Hòa cùng Hưng và Nho đã anh dũng hy sinh tại chốt đồi Cháy, gần Thành cổ Quảng Trị. Bác Y Wang, ba Y Hoà là người dân tộc Tây Nguyên, từng là Phó ban Dân tộc Quốc hội. Sau ngày thống nhất, nhiều lần gia đình đã ra tận Quảng Trị để tìm kiếm mộ phần, nhưng vô vọng. Cuối cùng, gia đình mang nắm đất ở mặt trận đưa về nghĩa trang liệt sĩ Buôn Mê Thuột xây mộ phần cho bạn.

Người cầm cờ Lớp Quyết thắng và người đứng sau là 2 Ls k7:
Trần Hữu Dân và Nguyễn Khắc Bình.


Vũ Trung k8 (bìa trái) cùng đồng đội f312 bên bia tưởng niệm Y Hòa k7 và đồng đội hy sinh ở đồi Cháy, Quảng Trị, 1972.



Và liệt sĩ trẻ nhất của nhà trường là Bùi Thọ Tuyến. Là học sinh khóa 8, ngày trường giải thể, Tuyến về Thái Bình vì bố Bùi Thọ Tư nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Quê hương Năm tấn là nơi cung cấp nhiều con em cho chiến trường, Tuyến tuy chưa đủ tuổi nhưng bắt mẹ xin các chú cho đi bằng được: “Bố lặn lội, động viên nhân dân cho con em đi bộ đội thì lẽ nào mẹ lại ngăn con thực hiện ước mơ làm nghĩa vụ vẻ vang này”. Tại chiến trường, chỉ còn một năm nữa là chiến tranh kết thúc, vậy mà Tuyến đã hy sinh ngày 23-3-1974!

Vỹ thanh!
Trân trọng ghi lại những tấm gương của bạn chúng tôi đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và làm rạng danh cho mái trường mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Các anh, các bạn hy sinh khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Chúng tôi luôn tự hào vì các anh, các bạn!
Và niềm tự hào đó không chỉ dành riêng cho 30 thầy trò nhà trường mà xin được dành cho cả cha mẹ họ. Bởi vì “hổ phụ” ắt sẽ sinh “hổ tử”!
TRẦN KIẾN QUỐC


Bài và ảnh: FB Tran Kienquoc - 26 Tháng 7 2017 05:57

0 nhận xét:

Đăng nhận xét