Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Nhớ Võ Dũng


Tháng 7 với ngày 27

Nhớ Võ Dũng

(Đức Dũng và Kiến Quốc)

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mất vợ và ba người con trong chiến tranh. Một trong ba người con của ông là Võ Dũng - bạn học của chúng tôi ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Võ Dũng là một trong 28 học sinh của Trường đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Võ Dũng 1967, ngày ở Quế Lâm

Ngày còn bé ở SG.


Ảnh ghép thêm Võ Dũng.


Ảnh ghép thêm Dũng, Dân và bé Chí Tâm.



Một chiều tháng 5-1965, có chiếc com-măng-ca chạy từ phía rừng trẩu bên kia đồi lên Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, đóng tại Trại Hòe. Bước ra xe là một phụ nữ dong dỏng cùng hai em gái, đi sau cùng là một cậu trạc tuổi chúng tôi. Thầy Ninh Cử Trực ra đón. Khi cô và hai em ra về, thầy Trực dẫn cậu bạn ra giới thiệu: “Đây là bạn Võ Dũng, con một cán bộ Trung ương Cục miền Nam. Bạn ra miền Bắc cùng em gái, ba mẹ ở lại trong đó. Từ hôm nay, Dũng là bạn các em”. (Mãi sau này tôi mới biết, người phụ nữ đưa Dũng lên hôm đó là cô Bảy Huệ, vợ bác Nguyễn Văn Linh, cũng đang công tác ở chiến trường B2).

Bọn trẻ chúng tôi ở trường ngày ấy, ngoài thời gian ôn tập lại chương trình lớp 5 là các giờ học Điều lệnh nội vụ, tập đội ngũ, quân phong quân kỷ và… chơi. Cánh học sinh miền Nam từng xa cha mẹ nhiều năm nên trò nghịch ngợm nào của lũ trẻ sống tập thể cũng biết. Võ Dũng luôn cầm chòm các trò nghịch này; hết lấy que diêm cháy làm “muỗi Sài Gòn” dính vào chân bạn, đến lấy kim khâu và mực Tàu xăm hình lên cánh tay, hay trốn ngủ trưa ra mương câu cá, mò cua…
Dù chơi với nhau, bọn tôi cũng ít hỏi cha mẹ bạn mình là ai, làm gì. Với Võ Dũng cũng thế, chưa bao giờ chúng tôi biết bạn là con của chú Sáu Dân - người sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhiều năm sau khi Võ Dũng hy sinh, gặp cô em gái Võ Hiếu Dân, tôi mới được nghe Hiếu Dân kể về gia cảnh: “ Ba cưới má Kim Anh đến năm 1951 thì sinh anh Dũng tại Rạch Giá. Sau năm 1954, ba ở lại hoạt động bí mật, còn 3 anh em Dũng theo má khắp nơi. Vì chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man, sau Luật 10/59, cơ quan Trung ương Cục phải tạm lánh sang Phnôm Pênh. Ba đưa Dân và Dũng theo cùng. Ngày đó chính quyền của Quốc vương Si-ha-nuc rất có cảm tình với Việt Nam nên đây là “chỗ dựa liền lưng” tin cậy. Năm 1960, ba quay lại Nam Bộ, hai anh em được các chú đưa ra miền Bắc, được dì Bảy Huệ đón về nuôi. Vì Dân còn bé nên ở Hà Nội, anh Dũng được gửi vào học trường Học sinh miền Nam rồi sau vào Trường Thiếu sinh quân”.

Võ Dũng sau này có thêm em út là Phan Chí Tâm sinh đầu năm 1966. Nhưng sau khi sinh em, một nỗi đau mất mát vô cùng lớn xảy ra. Ngày 17-12-1966, con tàu chở má Kim Anh cùng hai em Ánh Hồng và Chí Tâm trong chuyến ngược lên cứ đã đi vào vùng cấm và bị trực thăng bắn xối xả. Toàn bộ hành khách trên tàu không còn ai sống sót. Khi tin dữ đến với chú Sáu Dân, ông đau đớn vô cùng, mấy ngày liền ông đi dọc bến sông nơi tàu Thuận Phong chìm để tìm vợ, tìm con, trong đó có đứa con trai mà ông chưa biết mặt. Vậy nhưng chú Sáu vẫn không quên dặn mọi người: “Không được cho thằng Dũng và con Dân biết tin này”.

Ở Trường Thiếu sinh quân, thỉnh thoảng, Võ Dũng nhận được thư ba nhưng chỉ có vài chữ thông báo: Má và hai em con vẫn khỏe. Đầu năm 1967, chiến tranh phá hoại ác liệt hơn, nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc. Xa má đã 7 năm mà không có một lá thư của má, Dũng linh cảm có điều không lành xảy ra. Dũng gửi thư hỏi ba nhưng không thấy ba trả lời. Vậy là Dũng nhiều lần lên gặp Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh, nằng nặc xin về nước: “Cháu biết các chú giấu cháu tin má đã hy sinh. Giờ cháu chẳng còn thiết học hành. Các chú phải cho cháu về nước chiến đấu, trả thù cho má”. Biết không thể giấu mãi, nhà trường đành phải cho Dũng biết toàn bộ sự thật và để Dũng về nước theo nguyện vọng.

Tháng 3-1968, Võ Dũng bạn tôi rời Quế Lâm về nước, huấn luyện, rồi theo đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn” về Nam.
Hàng mấy tháng trời đi dọc Trường Sơn, Dũng mới vào tới căn cứ. Ba con gặp nhau, chú Sáu ôm Dũng vào lòng, không nói nên lời, nước mắt tràn mi. Chỉ ở với ba dăm bữa, Dũng nằng nặc xin về Đặc khu Sài Gòn - Gia Định để đánh giặc, trả thù cho má. Biết càng vào sâu, cái chết càng cận kề, nhưng hiểu tính con, chú Sáu đồng ý dù lòng thắt lại vì lo lắng. Chú Sáu có thể giữ Dũng lại bên mình vì tổ chức hiểu, ông đã mất quá nhiều cho cách mạng. Nhưng chú Sáu không làm thế. Ông để con trai mình đi vào nơi bom đạn khốc liệt nhất.

Biết Võ Dũng là con cán bộ cao cấp, chỉ huy xếp Dũng vào đơn vị thông tin để an toàn hơn nhưng Dũng một mực xin xuống đơn vị chiến đấu và đề nghị được về Rạch Giá: “Má cháu đã bị giặc giết hại, các chú phải cho cháu về quê má chiến đấu”. Đến tháng 6 năm 1971, Dũng được điều từ miền Đông Nam Bộ về Mặt trận T3 thuộc Khu 9.

Tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba xin bằng được về Trung đội 2 trinh sát (thuộc Tiểu đoàn 3). Ngày 21- 4-1972, trong chuyến trinh sát cùng hai đồng đội, không may cả nhóm rơi vào ổ phục kích. Ba anh em đã hy sinh trên kênh Tây Ký, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Rạch Giá. Võ Dũng ra đi khi vừa tròn 21 tuổi, ngay trên quê hương của má Trần Kim Anh.
Sau ngày giải phóng, tháng 11-1975, chú Sáu và gia đình tới đơn vị nhờ tìm Dũng. Khi đưa thi hài lên, lần trong túi quần vẫn còn bịch ni-lông đựng thuốc rê. Hài cốt Dũng được cải táng, đưa về nghĩa trang An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Chú Sáu Dân mang trong lòng mình nỗi đau mất mát khôn nguôi vì sự ra đi của những người thân. Sau này, khi tìm lại nơi chiếc tàu Thuận Phong đắm và cẩu lên thì chẳng còn thấy hài cốt nào sau bao năm nằm sâu dưới lòng sông Sài Gòn. Chú Sáu đã đưa hài cốt tượng trưng của má Kim Anh và hai em Ánh Hồng, Chí Tâm cùng Võ Dũng về Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Mộ phần bốn mẹ con cùng năm liệt sĩ nằm quây quần bên nhau như chín cánh của một bông hoa trong Nghĩa trang.

* * *

Võ Dũng là một trong 28 bạn và 2 thầy giáo của Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng hy sinh. Chúng tôi, những người còn sống, coi cha mẹ, gia đình liệt sĩ như cha mẹ, gia đình mình. Những ngày kỉ niệm thành lập trường, chúng tôi đều mời chú Sáu cùng cha mẹ các bạn đến dự. Rảnh là chú có mặt và không quên căn dặn chúng tôi nhớ tiếp bước cha anh.

Nhớ con, ông kể, ngày cha con gặp nhau tại R, Dũng kể chuyện được gặp Bác Hồ:
“Cuối năm 1968, Bác cho đón các cháu học sinh đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ: Hà Nội - Huế - Sài Gòn” về Dinh Chủ tịch chơi. Là con em miền Nam, Dũng và Dân cũng vinh dự được gặp Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình học tập, dặn dò các cháu phải ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ, thầy cô, rồi Bác chia kẹo cho từng cháu. Đến lượt Võ Dũng nhà chú, Bác hỏi: "Cháu có ngoan không?". Nó khoanh tay lễ phép: “Dạ, cháu còn nghịch, chưa ngoan ạ!”. Bác xoa đầu: “Giỏi, cháu thật thà như vậy là tốt, nhưng phải cố gắng lên để bằng các bạn nhé!”. Và Dũng cũng được nhận quà của Bác. Đó cũng là một vinh dự, một kỉ niệm đẹp trong cuộc đời ngắn ngủi của nó. Năm sau, nó đi B và ba năm sau nó hy sinh…”.
Rồi ông tâm sự: “Đất nước có chiến tranh kéo dài thì khó có gia đình nào không có mất mát, hy sinh. Nhà chú chỉ là một trong hàng triệu, hàng triệu gia đình Việt Nam như thế. Cô và hai em mất không tìm thấy hài cốt; may mà còn tìm được thằng Dũng. Nhưng hy sinh, mất mát cứ để cho buồn bã, đau thương kéo dài thì sẽ làm được gì? Còn phải sống, còn phải làm việc vì tương lai…”. Chú Sáu Dân nói thế, nhưng tôi biết trong lòng chú vẫn đau đớn khôn nguôi.
Khi còn sống, chú vẫn hỏi bạn bè Võ Dũng về cuộc sống của con khi còn ở trường. Chú Sáu Dân còn hỏi: ‘Ngày xưa Dũng có thương ai không? Để chú đi tìm…”. Trước khi chú Sáu mất, ông đã đưa cả bốn mẹ con về chôn cất ở nghĩa trang gia đình tại quê hương Vĩnh Long* để tiện ngày đêm hương khói.


Trần Kiến Quốc

---------------
Chú thích * Cái ảnh dùng cho bài này được Hiếu Dân gửi cho và nói, ba đã nhờ thợ ghép để có cái ảnh đủ 4 anh em trong nhà với ba má.
Lỗi cuối cùng ở bài viết, xin sửa là: đưa cô Kim Anh, Võ Dũng cùng 2 em về quê cô ở Sóc Trăng (chứ không phải Vĩnh Long).

Nguồn: FB Tran Kienquoc - 14 Tháng 7 lúc 6:54 ·

Bài đã đăng tại BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN (Báo điện tử CAND) - 09:26 16/07/2016 trong mục Gương sáng với tiêu đề Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27-7: Chuyện chưa biết về sự hy sinh anh dũng của người con cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bài đã phải chỉnh sửa vì khuôn khổ cho in của bài (cỡ 2000 từ).

Báo VietNamNet đã đăng lại 17/07/2016 03:01

0 nhận xét:

Đăng nhận xét