Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Nhớ về Lớp trưởng 8i Nguyễn Trãi K23 – Bùi Thọ Tuyến



(K23) – “Ngày mai đây trong cuộc chiến đấu máu lửa ấy, có thể em sẽ ngã xuống thì mỗi giọt máu của em phải đổi lấy một giá cao nhất. Và nếu đó là sự thật thì cho em gửi lời chào vĩnh biệt!” – Bùi Thọ Tuyến, Lớp trưởng 8i đã viết như vậy khi trên đường ra chiến trường.



Trường Phổ thông Cấp 2-3 Nguyễn Trãi, Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước. Nguồn: BT.


Lớp trưởng 8i Trường Phổ thông Cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội năm 1970-1971 – Liệt sỹ Bùi Thọ Tuyến, sinh năm 1955, hy sinh ngày 23/3/1974 trong sự nghiệp giải phóng Dân tộc, bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường miền Nam, lúc vừa tròn 19 tuổi, khi chỉ còn hơn 365 ngày nữa là im tiếng súng.


Bùi Thọ Tuyến



Bùi Thọ Tuyến sinh ra trong một gia đình cán bộ cách mạng, bố là ông Bùi Thọ Tư, Tỉnh đội trưởng tỉnh Thái Bình, đã mất; mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng Liên làm công tác thương nghiệp ở Chợ Bo của thị xã, mất ngày 9/7/2010, ở tuổi 89, mang theo nỗi đau con chưa về. Gia đình Tuyến sống tại thị xã Thái Bình ở Khu tập thể bốn tầng Lê Lợi. Bùi Thọ Tuyến theo học Trường Nguyễn Văn Trỗi 1965-1970, trở về tiếp tục học phổ thông cấp 3 ở Hà Nội.

Tháng 9 năm 1970, sau khi Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi giải thể, Bùi Thọ Tuyến nhập học vào Lớp 8i của Trường Phổ thông Cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ngay buổi họp sinh hoạt lớp đầu tiên, Tuyến được cô Chủ nhiệm Nguyễn Mai Hương giới thiệu và cả lớp nhất trí bầu làm Lớp trưởng. Học xong lớp 8 (hệ 10 năm), tháng 5/1971, lúc tình hình chiến sự trên chiến trường miền Nam vào giai đoạn ác liệt. Cả nước sục sôi trong khí thế của Lệnh tổng động viên. Tuyến tự nguyện viết đơn và xin phép gia đình tham gia Quân đội.

Bùi Thọ Tuyến viết đơn tình nguyện bằng máu của mình xin nhập ngũ. Mới 16 tuổi chưa đến tuổi nhập ngũ, Thị đội Thái Bình đã từ chối. Tuyến đã nài nỉ mẹ xin đăng ký nhập ngũ ở xã Hoàng Diệu, huyện Đông Hưng – chỗ quen biết với gia đình. Huyện đội Đông Hưng đã chấp thuận cho Tuyến nhập ngũ. Từ đây anh vào huấn luyện tại Sư đoàn 305 đặc công trên Xuân Mai, tỉnh Hòa Bình.

Tôi còn nhớ, vào một ngày hè nóng bức năm 1971, chúng tôi một nhóm nhỏ tụ tập tại nhà riêng của tôi trên đường Nguyễn Thái Học để gặp gỡ chia tay Tuyến ra chiến trường. Bùi ngùi, xúc động, Tuyến không quên gửi lại quà kỷ niệm cho bạn bè vắng mặt và dặn lại tụi tôi: “Nếu sau năm 75 mà mình không về, thì các bạn hiểu rằng là mình đã ra đi mãi mãi”. Và đó cũng là lời chào từ biệt của Tuyến với bạn bè, sự tiên đoán về chấm dứt cuộc chiến. Sau đó, năm 1975 ta giải phóng hoàn toàn miền Nam và người bạn của 8i Nguyễn Trãi năm 1970-1971 Bùi Thọ Tuyến cũng hy sinh trước đó 1 năm.

Trên đường hành quân ra chiến trường, anh đã để lại một bức thư đầy cảm động, một lời chào trước lúc đi xa. Đây có thể là lá thư cuối cùng của người lính trẻ viết về cho gia đình.

“Hà Tĩnh, ngày 14 tháng giêng năm 1972

Anh Chúc kính mến!

Hôm nay, sau khi hành quân từ Vinh về đây, bọn em nghỉ để chờ ôtô vào Quảng Bình. Em vội viết mấy dòng về cho anh.

Thanh niên tạm biệt lên đường ra trận

Anh Chúc ạ, vào đến đây, em được trang bị đầy đủ như cho một người lính chiến. Sơ sơ cũng 30kg, vì đi xa nên phải mang nhiều thứ. Bọn em còn hành quân vào tận B2, đường hành quân dài đến 2000km và sẽ sống, chiến đấu ở ngoại ô Sài Gòn. Thế là, hôm nay còn trên đất Hà Tĩnh thì mai, chỉ sáng mai thôi là chân chúng em đạp “trên triền núi cao Trường Sơn” rồi.

Anh Chúc yêu quý! Em cũng đã nhiều lần đi xa, nhiều lần xa nhà, nhưng phải nói thật rằng, lần này khi tầu chuyển bánh, lòng em xao xuyến vô cùng. Cũng không hiểu vì sao?! Nhìn cột cây số cứ vun vút lùi lại phía sau: Hà Nội – 20km, rồi 30, 100, 150, 200, ngày càng xa dần, xa dần, rồi không nhìn thấy gì nữa.

Nước mắt em muốn trào ra, điều mà cách đây 10 năm về trước em tưởng rằng sẽ không bao giờ có nữa.

Anh Chúc ạ! Nếu như có một nhà văn đi cùng trên chuyến tầu này thì sẽ tả chuyến đi này của bọn em như thế nào? Chỉ tiếc rằng em chỉ là một anh lính, bình thường như mọi anh lính khác, cũng chỉ có những lời nói chân thành, mộc mạc. Chẳng biết nói sao khi các mẹ, các anh, các chị, các em giơ tay vẫy chào những người lính trẻ chuẩn bị bước vào cuộc thử lửa. Còn trên tầu của lính thì như một rừng tay vẫy mãi, vẫy mãi.

Em cũng thế, con người em tưởng như gỗ đá thế mà nước mắt cứ ứa ra, tay cứ vẫy vẫy dù trước mắt không phải người thân thuộc của mình! Em biết nói gì bây giờ? Chỉ biết rằng, ngày mai là cuộc chiến đấu mới!

Thôi, anh cho em tạm dừng bút vì thời gian còn rất ít. Ôtô đến rồi. Ngày mai đây trong cuộc chiến đấu máu lửa ấy, có thể em sẽ ngã xuống thì mỗi giọt máu của em phải đổi lấy một giá cao nhất. Và nếu đó là sự thật thì cho em gửi lời chào vĩnh biệt!

Chúc anh khỏe, trẻ, công tác, học tập tốt!

Em của anh.

Bùi Thọ Tuyến”.


Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, một đồng đội cùng chiến đấu với Tuyến đã gặp bà Nguyễn Thị Hồng Liên. Trong nước mắt, anh đã kể lại toàn bộ câu chuyện Bùi Thọ Tuyến hy sinh. Trong trận đánh ác liệt, ngay trong giây phút mở cửa đột phá, anh đã trúng đạn bắn thẳng của địch. Ngày Tuyến ra đi là ngày 23/3/1974, chỉ còn hơn một năm nữa là cả nước có hoà bình!.

Và trận đánh ấy đã xảy ra ở huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa (cũ), miền Đông Nam bộ, người chiến sỹ đặc công Bùi Thọ Tuyến đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi 19.

Để ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ, ngày 17/11/1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồngđã ký Bằng Tổ quốc ghi công cho Bùi Thọ Tuyến.
Bằng Tổ quốc ghi công. Nguồn: BTC.



Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình cũng chính thức gửi Giấy báo tử số 4393KB/PCS (ký ngày 1/5/1977) về cho gia đình. Trên đó chỉ ghi “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”.

Giấy báo tử. Nguồn: BTC.



Vào ngày 2/7/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký quyết định truy tặng cho Liệt sỹ Bùi Thọ Tuyến Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Huân Chương Kháng chiến hạng 3. Nguồn: BTC.



Vài dòng ôn lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra trường của Nguyễn Trãi K23, nhớ về bạn – Bùi Thọ Tuyến, Lớp trưởng 8i của Nguyễn Trãi Cấp 3, Hà Nội năm 1970-1971 ngày ấy. Bọn mình – những cựu học sinh 8i mãi mãi nhớ về người bạn sôi nổi, nhiệt huyết và đầy lãng mạn.

Tuyến ơi, năm tháng cũng sẽ qua đi, cuộc sống rồi sẽ thay đổi, nhưng những tình cảm và hình ảnh đẹp đẽ của Tuyến được chúng tớ nhớ mãi./.

Hà Nội, 10/8/2013,

Ba Tín

Nguồn:
Nguyễn Trãi K23
Trang Thông tin Điện tử iTin - http://daoduytinh.vn/, 20/8/2013.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét