[...]
Sau ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 địch co lại, không đánh lớn. Nhưng, đêm 14 tháng 4 năm 1965 hải quân Mỹ sử dụng lực lượng nhỏ bằng máy bay A- 6 đánh lén cầu Hàm Rồng nhưng không trúng. Ngày 26 tháng 5 bọn Mỹ đánh Ninh Bình, đánh cầu Đoan Vĩ. Ngày 10 tháng 6 không quân Mỹ đánh Mộc Châu, Pa Háng. Ngày 15 tháng 6 đánh Sơn La, Điện Biên…
[...]
Trên mạng tình báo xa, xuất hiện một tốp hai chiếc máy bay ở độ cao rất thấp ở ngoài biển tiến vào cửa sông Ninh Cơ, qua Nam Định tiến vào Nho Quan thuộc tỉnh Ninh Bình. Radar dẫn đường ở sân bay Bạch Mai và sân bay Nội Bài đều không nhìn thấy. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện ra lệnh cho biên đội vào cấp hai, ông trực tiếp gọi điện thoại cho sở chỉ huy quân chủng xin phép cho biên đội cất cánh, do trung đoàn chỉ huy. Trung tá Hoàng Ngọc trực chỉ huy, nghe lệnh báo động sở chỉ huy, ông bước vào, trực tác chiến trao điện thoại cho ông. Ông nhướng mắt nhìn lên trần băn khoăn hỏi:
- Anh Luyện, anh căn cứ vào đâu để cho biên đội cất cánh?
- Thưa, đến hôm nay, theo nhận định của tôi, bước leo thang của Mỹ chủ yếu ở khu vực Nam Định - Ninh Bình, nếu không cất cánh sớm sẽ không kịp đánh.
Hoàng Ngọc trả lời:
- Đồng ý cho trung đoàn chỉ huy. Anh lưu ý, Tư lệnh quân chủng có chỉ thị về phương châm tác chiến trong thời gian này.
Đào Đình Luyện trả lời:
- Tôi hiểu.
Trung tá Đào Đình Luyện biết rất rõ, nếu co lại, không cất cánh, sẽ bảo tồn được sinh lực. Là một phi công, ông hiểu khía cạnh khác, nếu không chiến đấu không thể nào rèn luyện bản lĩnh cho bộ đội. Nhiều lần ông đề đạt nguyện vọng muốn được cọ xát với thực tế để có kinh nghiệm chỉ huy không chiến, ông nhận ra rằng, chiến đấu cũng là một cách để xây dựng và bảo tồn lực lượng một cách có hiệu quả, cũng là cách để rèn luyện bộ đội… Hơn hai tháng qua, Trần Hanh trở về rồi đi bệnh viện, dù sao ông cũng được nghe Trần Hanh báo cáo lại diễn biến trận chiến đấu. Ông nhận ra, ta và địch đều còn non nớt. Bọn Mỹ đã lâu chưa chiến đấu, dù máy bay và vũ khí rất hiện đại. Điều dễ thấy nhất là địch rất đông, ta chưa có kinh nghiệm, trình độ bay và kỹ thuật không chiến còn non, đặc biệt là tư duy chiến thuật trong đối phó với tên lửa Mỹ, nhiều vấn đề mới đặt ra chưa được các phi công luyện tập thành thạo. Hầu hết phi công chưa quan sát địch kỹ lưỡng. Sau hơn hai tháng nghiền ngẫm và kiên trì luyện tập, phi công và cán bộ chỉ huy đã tiến bộ về kỹ thuật và chiến thuật, bộ đội mong muốn chiến đấu và lập công. Đào Đình Luyện ra lệnh:
- Cho biên đội Lâm Văn vào cấp 1. Dẫn đường xác định thời cơ cất cánh.
Phạm Minh Nhân nhẩm tính thời gian bay từ căn cứ Nội Bài đến khu vực chiến đấu, cộng với thời gian mở máy, lăn ra và cất cánh. Nhân đề nghị:
- Báo cáo một phút nữa cho biên đội mở máy, cất cánh.
Đào Đình Luyện cầm micro:
- Tam Đảo gọi 31.
Lâm Văn trả lời:
- 31 nghe rõ.
- 31 lưu ý, chúng ta thực hiện phương án hoa hồng.
- 31 nghe rất rõ.
Đào Đình Luyện nhìn chiếc đồng hồ có kim giây màu đỏ đang quay tròn, nó cần mẫn và chính xác, chỉ còn 20 giây nữa, lệnh cất cánh sẽ được ban ra và lần đầu, trung đoàn chỉ huy biên đội không chiến trách nhiệm đè nặng trên vai ông. Ngay bây giờ ông có thể ra lệnh xuống cấp và phi công trở về nhà trực ban. Mọi việc sẽ do quân chủng chịu trách nhiệm. Và, như vậy sẽ cắt đi bao áp lực đè trên vai ông. Không, Đào Đình Luyện đã quyết tâm cùng với anh em xây dựng trung đoàn trở thành một đơn vị không quân chiến đấu đầu tiên, thiện chiến. Muốn như vậy, chỉ có cách “sắt cứng phải tôi trong lửa…”. Ông nhìn trên bàn chỉ huy chiến đấu, tốp cường kích và tiêm kích của hải quân Mỹ đã xuất hiện. Ông ra lệnh:
- Lệnh cho biên đội Lâm Văn cất cánh.
Đào Đình Luyện bất giác liếc nhìn tấm bảng đen đăng ký lực lượng trực ban. Ông thuộc từng người. Lâm Văn bay giỏi, tiếng nói nhỏ nhẹ và hay lắp, một sĩ quan mang dòng máu Việt - Hoa… Thanh Cao, mặt tròn, da trắng, mắt to, tóc ngắn, khá đẹp trai, bay lì lợm, đáng yêu.
Trọng Lê bay số 3 vốn là lính đặc công, kỹ thuật xạ kích tuyệt vời, dũng mãnh, mặt trái xoan , đẹp trai, mắt to, hơi buồn. Còn phi công bay số 4 Nguyễn Nhật, mặt vuông, dài, bay khỏe, tiếng nói lúc nào cũng như hụt hơi, hay kể chuyện tiếu lâm, thông minh … Ông liếc nhìn tờ lịch treo trên vách ngăn giữa bàn chỉ huy chiến đấu và bộ phận các sĩ quan phục vụ phía trong. Sáng nay, sĩ quan tác chiến vừa bóc đi tờ lịch ngày 16 tháng 6 năm 1965. Đào Đình Luyện hết sức tập trung. Ông đã nghe tiếng gọi của biên đội liên lạc với sở chỉ huy trung đoàn. Sở chỉ huy hết sức căng thẳng, mọi người đều dồn đến nghe ngóng, theo dõi. Phạm Minh Nhân cho biên đội những thông số đầu tiên. Trung tá biết rõ, bây giờ Lâm Văn đang chỉ huy biên đội tập họp, đội hình đã hoàn chỉnh và đang đưa mũi máy bay hướng đến mục tiêu. Tiếng gọi giữa các phi công với nhau đã xong, bây giờ, liên lạc giữa trên không và mặt đất tập trung vào biên đội trưởng Lâm Văn và sĩ quan dẫn đường, cuộc đối thoại đó kèm theo những mũi tên xanh và đỏ trên bản đồ. Minh Nhân đưa micro lên miệng:
- 31, hướng bay 190 độ, cao 4.000 mét.
- 31 nghe rõ, 190, 4.000.
Lâm Văn liếc nhìn số 3 và biên đội. Những chiếc Mig-17 lướt qua thị xã Hưng Yên. Anh nhìn xuống, bên dưới, dòng sông Hồng uốn lượn và hai bên, những thửa ruộng xanh cùng với con đường và những mái nhà ngói, nhà tranh thanh bình. Thi thoảng một đám mây trắng vụt qua rất nhanh dưới cánh. Lâm Văn nhìn về phía trước, đường chân trời hình thành một vòng cung, bên phải những dãy núi cao, thấp bạt ngàn như những con voi khổng lồ, con đứng, con nằm trải dài từ Bắc vào, xa xa thấp thoáng những mỏm núi cao vút … Biên đội lao nhanh về phía trước, những cánh đồng trải rộng, nhỏ dần, độ cao đã hơn 3.000 mét. Lâm Văn nghe thông báo:
- 31, Cá Sấu, Vịt Trời bên trái 30 độ, 80 km.
Lâm Văn trả lời:
- 31 nghe rõ.
***
[...] Lâm Văn quan sát phía trước, những lớp mây “ti” như những chùm tơ trên cao lướt qua đầu. Anh biết rõ, bọn Mỹ sẽ ở phía trước mũi máy bay của anh. Nhưng, hình thù và độ hung ác của chúng nó đến đâu, đến bây giờ anh cũng chỉ biết trên giấy. Lâm Văn, Cao, Lê và Nhật còn rất trẻ, các anh đều từ bộ binh, quen với súng trường, lưỡi lê và cận chiến. Từ ngày hành quân từ nước bạn về Tổ quốc, các anh miệt mài tập luyện và nghiên cứu địch … cho đến tận hôm nay mới có dịp tung cánh: - 31, Cá Sấu đi từ trái sang phải, cách 50km. Phạm Minh Nhân liếc nhìn chiếc đồng hồ để ở trên bàn, ngay trước mắt, chiếc kim đỏ mỗi lần chuyển một khắc, nó gật một cái chắc chắn. Nhân chưa hình dung toàn bộ một trận không chiến diễn ra như thế nào. Nhưng, nhiệm vụ của anh là tạo thế chiến thuật cho phi đội. Bàn tay thuận tay trái của anh, lúc này đã phát huy tác dụng. Tay phải cầm cây thước tam giác, chiếc bút chì trên bàn tay trái vẽ những vòng tròn, có bán kính khác nhau rất chuẩn cho biên đội của Lâm Văn, chuẩn bị tiếp cận, tốp máy bay địch lúc này đã vượt qua thị xã Ninh Bình đang hướng vào hướng Tây Bắc, phía trước tốp máy bay địch là thị trấn Nho Quan. Nhân cầm micro, báo cáo: - Thưa, cho tiếp cận? Đào Đình Luyện lập tức trả lời: - Cho tiếp cận. Nhân bóp micro: - 31 thả thùng dầu phụ, chuẩn bị công tắc quân giới, mục tiêu bên phải 40 độ, 25 km. - 31 nghe rõ, thả thùng dầu phụ, tốc độ 850, 33. Lâm Văn vừa ấn nút thả hai thùng dầu phụ ở hai bên cánh, máy bay trở nên linh hoạt, nhẹ nhàng. Lâm Văn đảo mắt quan sát, anh bỗng phát hiện những chấm nho nhỏ phía dưới lớp mây “ti”. Văn bóp micro: - Địch bên phải 20 độ, bên trái 45 độ, tất cả theo tôi … Bốn chiếc Mig-17 lao vào hướng có địch xuất hiện, càng đến gần Lâm Văn nhìn thấy bọn F-4, bên phải xa hơn bọn A-4 mang bom đang tiến vào mục tiêu. Lâm Văn suy nghĩ rất nhanh “Không thể đánh tốp A-4” . Bọn tiêm kích Mỹ đang ở rất gần, những chiếc F-4 đã phát hiện Mig, sau đuôi làn khói đen ngoằn ngoèo. Bọn Mỹ đã tăng tốc độ, biên đội buộc phải đánh với bọn tiêm kích. Lê quyết liệt: - 31, phía bên phải còn 8 chiếc F-4. Bên trái 4 chiếc, trước mặt 4 chiếc. - 31 thấy rồi. 33 chú ý, biên đội hai chiếc, công kích. Lâm Văn ra lệnh cho Cao: - 32 theo tôi. Ở bên kia Lê và Nhật lao vào tốp 8 chiếc, động tác nhanh, gọn gàng. Lê bắn rơi chiếc F-4 chỉ huy, lửa chiếc F-4 cháy rất to làm cho 7 chiếc còn lại nao núng. Nhật dũng mãnh kéo máy bay vào bên trong, tấn công chiếc F-4 số 3, bọn Mỹ nao núng dạt ra, đối phó. Nhật bám được một chiếc ở gần, anh tăng hết ga, tốc độ không tăng được bao nhiêu. Nhật quay lại quan sát, anh vừa kịp nhìn quả tên lửa lao đến rất nhanh. Nhật cơ động nhưng không kịp, anh bị bắn rơi. Lê đảo mắt thấy chiếc Mig của Nhật bốc cháy, chiếc dù trắng bung ra. Lê nổi nóng vòng lại, bọn Mỹ đã rút chạy, còn lại hai chiếc đang mắc kẹt trong vòng lượn của Lê… Ở bên trái, Lâm Văn và Cao lượn vòng quyết liệt với 8 chiếc F-4, bọn Mỹ phóng rất nhiều tên lửa. Nhưng, biên đội Văn và Cao giữ được thế không sơ hở. Bỗng, Lâm Văn thấy chiếc F-4 bên phải lỏng tay lái, ngay lúc đó trên tai Văn nghe tiếng của Lê báo cáo về sở chỉ huy đã bắn rơi một chiếc F-4. Lâm Văn hiểu, Lê làm cho bọn Mỹ ở đây giật mình. Chớp thời cơ, Văn kéo mạnh máy bay tạo được góc đón vô cùng thuận lợi, cự ly rất gần, anh kéo cò. Ba khẩu súng cùng nhả đạn, viên đạn 37 ly bắn trúng lưng chiếc F-4, gần chục viên đạn 23 ly găm nát cánh phải, chiếc F-4 bùng cháy. Lâm Văn hét to: - Cháy rồi, 31 bắn rơi chiếc F-4. Lâm Văn nhìn phía sau, không thấy Cao, Văn gọi: - 31 gọi 32, 31 gọi 32. Lúc này ở khu vực chiến đấu của Lê, hai chiếc F-4 tìm cách thoát ly. Lê quan sát, chiếc F-4 ở phía bên phải lật ngang, phóng hai quả tên lửa. Lê cơ động góc và trượt cạnh, hai quả tên lửa bay vọt phía trước mũi máy bay, anh thấy bọn Mỹ lỏng tay lái, lượn vòng ngược làm cho Lê không cắt vào bên trong, hai chiếc F-4 trượt xuống và tháo chạy. Lê quan sát, chỉ có hai chiếc F-4 ở phía trước, anh quyết định đuổi theo Lê từ độ cao 3.000 mét. Bọn Mỹ cắm đầu xuống, vừa trượt, vừa lượn tạo khoảng cách không quá xa. Lê cắm máy bay xuống, tốc độ tăng nhanh chóng hy vọng có thể đuổi kịp. Phía trước là núi cao, có một khe rộng, hai chiếc F-4 hoàn toàn chủ động về tốc độ và có vẻ chậm, tốc độ tiếp cận đã khá. Lê nhớ, độ cao có thể biến thành tốc độ. Anh quyết định bổ nhào …. Bọn Mỹ biết, chiếc Mig-17 đang say, lao xuống. Lê đẩy cần lái, tốc độ lao xuống rất nhanh, cự ly giữa chiếc Mig-17 và hai chiếv F-4 ngày một ngắn, anh đã xuống sát ngọn núi phía trước. Bỗng, hai chiếc F-4 trượt xuống dưới khe núi và lượn vòng lách qua ngọn núi trước mặt Lê. Anh thấy trước mặt ngọn núi sừng sững, chiếc Mig đang đà lao xuống. Biết động tác của mình nguy hiểm, Lê bấm Micro gọi “31”. Anh vội vã buông tay ga, hai tay ghì chặt kéo cần lái sát vào bụng kéo chiếc Mig vọt qua được ngọn núi nhưng đuôi chạm vào đỉnh núi, chiếc Mig lật ngang cắm đầu xuống một yên ngựa … Lâm Văn nghe tiếng Lê gọi rồi đột ngột mắt hẳn. Anh vòng lại, lượn vòng nhiều lần trên khu vực chiến đấu. Văn phát hiện một chiếc dù trắng ôm trùm một ngọn cây. Anh biết, một phi công đã nhảy dù an toàn. Sáng ngày 20 tháng 6 năm 1965, bộ phận “tìm cứu” báo cáo địa điểm Lê hy sinh. Địa phương đã cho xe đưa Cao và Nhật về bệnh viện. Dù sao chúng ta cũng bắn rơi được hai chiếc F-4 tiêm kích Mỹ, trung đoàn cũng rút ra được những bài học cho trận không chiến lớn thứ ba kể từ ngày Bộ Tổng tham mưu quyết định cho không quân mở mặt trận trên không… [...]
Bài viết hay quá. Mà chị Lê Dung chắc vẫn có liên lạc với cô giáo Thục (vợ của LS Long) của chúng tôi chứ?
Trả lờiXóa
Trả lờiXóaXem thêm bài: Thăm con cô Thục và chú Long - Nguyễn Thị Thái, 09/06/2013, Blog Út Trỗi.