Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Nguyễn Văn Trỗi, người thanh niên anh hùng

Nguyễn Văn Trỗi, người thanh niên anh hùng

Sáng tác: Mộng Lân
Trình bày: Quý Dương

1-
Nghe tin từ miền Nam, căm uất nghẹn lòng tôi
Giặc giết anh rồi, giặc đã giết anh rồi
Kia quân thù khiếp sợ, oai phong người chiến sĩ
Khi anh ra pháp trường, trước mũi súng quân thù
Không khuất phục, không run sợ vì anh là người chiến thắng

ĐK:
Nguyễn Văn Trỗi gương sáng anh soi ngời ngời
Miền Nam con ghi nhớ lời, cùng theo anh tiến bước
Nguyễn Văn Trỗi anh đã hy sinh cho Tổ Quốc quang vinh
Thành đồng miền Nam ghi tên anh

2-
Thương tiếc người con yêu, sông núi còn vọng theo
Người chiến sĩ công nhân, tuổi thanh xuân anh hùng
Gương anh còn chói lọi, như mặt trời rạng soi
Nhân dân ta anh hùng, quyết chiến đấu tới cùng
Để rửa thù, bắt chúng nợ máu trả bằng máu(ĐK)

LỜI ANH VỌNG MÃI NGÀN NĂM


Sáng tác: Vũ Thanh

Sáng mãi tên anh
Người con của đất nước
Sông núi reo ca
Người anh hùng thành đồng bất khuất
Nguyễn văn Trỗi, Nguyễn văn Trỗi
Người công nhân Thành Phố Sài Gòn
Mà lời anh trước súng giặc thù
Vẫn cháy lửa chiến đấu
Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu
Vọng về Vê-nê-du-ê –la
Cuồn cuộn sôi trong muôn con tim
Người du kích Châu Mỹ La tinh
Anh đã sống cuộc đời
Sáng rực ánh mặt trời
Anh sống tuổi thanh xuân đẹp tươi
Trong khói lửa luyện nên thép gang
Noi gương anh còn có triệu người
Cả Miền Nam đang sôi tim gan
Cuồn cuộn dâng lên như phong ba
Dìm đầu quân cướp Mỹ xâm lăng
Gió đưa muôn tiếng ca
Lời anh hát ngày nào:
Việt Nam muôn năm, Việt Nam muôn năm
Lời anh hát vọng đến ngàn năm
Lời đất nước ngàn năm chói sáng

Trình bày: Tô Lan Phương

Dzoãn Minh

Khanh Duy

Tô Thanh Phương





Lê Hằng

Anh Đào
Đức Tuấn
Xem thêm:
http://taybui.blogspot.hu/2010/07/loi-anh-vong-mai-ngan-nam-your-words.html

Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi

Sáng tác: Nguyễn Đức Toàn
Trình bày: Linh Nhâm

Nguyễn Văn Trỗi - Lê Anh Xuân

Nguyễn Văn Trỗi

Lê Anh Xuân

Khi Anh gọi Bác ba lần
Lòng anh như thấy được gần Bác thêm
Anh chưa được tận mắt nhìn
Nhưng hình ảnh Bác trong tim vẫn ngời
“Cháu yêu Bác lắm, Bác ơi!
Những năm kháng chiến từ hồi còn thơ
Trung thu gặp Bác trong mơ
Kính yêu cháu hát: “Bác Hồ Chí Minh”…
Giờ đây trước phút tử hình
Cháu như thấy Bác đang nhìn cháu đây
Bác hôn cháu, Bác cầm tay
Cháu hôn lại Bác sáng nay ba lần”
Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
Triệu người đáp lại ầm ầm bốn phương
Tiếng hô gặp núi, núi vang
Gặp sông, sông hát, gặp rừng, rừng ca
Bác Hồ khi hiện vào ta
Như tên bật ná, thác sa khỏi ghềnh
Ôi ba tiếng Hồ Chí Minh!
Đã thành vũ khí, đã thành niềm tin
Đã thành lời hứa thiêng liêng
Lửa thiêu chẳng cháy, đá nghiền chẳng tan
Cổ gông cổ vẫn thét vang
Tay còng tay vẫy vẫn ngàn cánh tay
Bác là non nước, trời mây
Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn
Còn cao hơn đỉnh Thái Sơn
Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha
Điệu lục bát, khúc dân ca
Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam
“Việt Nam muôn năm!”
Việt Nam, Tổ quốc muôn năm
Nơi ta yêu quý muôn vàn của ta
Dù đây trường bắn Chí Hòa
Đất chân ta đứng vẫn là của ta

Sau lưng ta cả quê nhà
Nơi lưng ta tựa ấy là Trường Sơn
Là bờ ruộng, lối cỏ mòn
Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu
Là Thu Bồn mặt nước xao
Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca
Là hàng ớt đã ra hoa
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông
Là trưa tiếng mẹ ru nồng
Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm
Là Việt Nam! Là Việt Nam!
Biển Đông một dải xanh lam cõi bờ
Việt Nam đất nhạc, đất thơ
Chân mây điểm trắng cánh cò quê hương
Đầm sen nở trắng, nở hường
Đêm trăng thơm dịu những đường sầu riêng
Việt Nam xứ sở thần tiên
Bốn mùa một sắc trời riêng đất này
Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây
Non cao gió dựng, sông đầy nắng chan
Sum sê xoài biếc, cam vàng
Dừa nghiêng cau thẳng hàng hàng nắng soi
Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông, như núi, như người Việt Nam
Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa
Trường Sơn chí lớn ông cha
Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào
Mặt trời ánh sáng tự hào
Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do
Bốn ngàn năm dựng cơ đồ
Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người
Ôi Việt Nam! Việt Nam ơi!
Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha.



Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Hãy nhớ lấy lời tôi - Tố Hữu

Hãy nhớ lấy lời tôi

Tố Hữu

Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra.

Nguyễn Văn Trỗi!
Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống, anh hùng, vĩ đại.

Hỡi người Anh, đã khép chặt đôi môi
Tiếng anh hô: Hãy nhớ lấy lời tôi!
Đang vang dội. Và ánh đôi mắt sáng
Của Anh đã chói ngời trên báo Đảng


Nghìn năm sau sẽ nhớ lại hôm qua
Một sáng mùa thu, giữa khám Chí Hòa
Anh đi giữa hai tên gác ngục
Và sau chúng, một người linh mục.

Anh bước lên, nhức nhói chân đau,
Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu
Quần áo trắng một màu thanh khiết
Thây gầy yếu mạnh hơn cái chết.

Bầy giết thuê và lũ viết thuê
Hai hàng đen, súng cắm lưỡi lê
Anh bước tới, mắt nhìn, bình thản
Như chính Anh là người xử án.

Cỏ trong vườn mát dưới chân Anh
Đời vẫn tươi màu lá rau xanh
Đây miếng đất của Anh đòi giải phóng
Đây máu thịt của Anh đòi cuộc sống.

Anh thét to: "Ta có tội gì đây?"
Chúng trói Anh vào cọc, mấy vòng dây
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt.
Anh thét lớn: "Chính Mỹ kia là giặc!"

Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết, Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!

Chúng run lên, xông trói chặt Anh hơn
Đôi mắt Anh đã khô cháy căm hờn:
Phải chiến đấu như một người cộng sản
Trái tim lớn không sợ gì súng đạn!

Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!

Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!

Súng đã nổ, mười viên đạn Mỹ
Anh gục xuống. Không. Anh thẳng dậy
Anh hãy còn hô: Việt Nam muôn năm!
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm.

Mắt đã nhắm, không một lời rên rỉ,
Anh chết vậy, như thiên thần yên nghỉ.
Chẳng cần đâu, cây thánh giá sắt tây
Của tay người linh mục ném bên thây!


Anh đã chết, Anh Trỗi ơi, có biết
Máu kêu máu, ở trên đời, tha thiết!
Du kích quân Ca-ra-cát đã vì Anh
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành.

Anh đã chết. Anh chẳng còn thấy nữa
Lửa kêu lửa, giữa miền Nam rực lửa
Như trái tim Anh, ôi lửa nào bằng!
Phút cuối cùng, chói lọi khối sao băng...

Hãy nhớ lấy lời tôi!
Nguyễn Văn Trỗi
Lời Anh dặn, chúng tôi xin nhớ:
Hãy sống chết quang vinh
Trước kẻ thù không sợ
Vì Tổ quốc hi sinh
Như đời Anh, người thợ.

23-10-1964


Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Sống Như Anh - Trần Đình Vân

Đọc Truyện Đêm Khuya - Sách Nói Hay - Audio Book


Nghe đọc truyện online


Người đọc: Trung Nghị

Xuất bản 19 thg 11, 2016
Thư viện sách nói dành cho người mù

Giới thiệu về nội dung

Sống Như Anh
Văn Chương Một Thời Để Nhớ:

Con người Nguyễn Văn Trỗi luôn luôn có thái độ anh hùng, bình tĩnh và cũng rất thông minh trong mọi trường hợp phải đối phó với những thủ đoạn tàn ác cũng như lừa bịp mua chuộc của kẻ thù. Con người đó luôn luôn biểu lộ một phẩm chất đặc biệt, rất vững vàng, không một lúc nào, cũng không một câu nói nào tỏ ra là người công nhân dũng cảm đó cảm thấy mình đứng thấp hơn kẻ địch, cảm thấy mình bị lỗi lầm, cảm thấy mình có gì hồi tiếc trong cuộc đời chiến đấu của mình. Ngay cả những lúc bị tra tấn, bị đè xuống đất, bị điện giật lăn ra, ngay cả những lúc chân anh bị thương tật không đứng vững nữa, con người đó, trước mắt kẻ địch, lúc nào cũng giữ được một tư thế rất hiên ngang.

Nếu chỉ kể riêng về anh Trỗi thôi quyển sách cũng đủ đẹp, bởi vì nó rất thực, nó cho chúng ta hiểu được con người ấy đã sống, suy nghĩ và hành động như thế nào đối với kẻ địch, yêu thương như thế nào đối với đồng chí mình, giai cấp mình. Nhưng quyển truyện không chỉ nói về anh. Chúng ta mong tìm thấy trong truyện này không phải chỉ là con người, chỉ là câu chuyện về một con người; một cá nhân, dù cho cá nhân đó anh dũng đến mức nào, đẹp đẽ đến mức nào. Điều chúng ta muốn biết nhiều hơn là cái gì đã tạo ra con người ấy. Nếu nói về một con người, chúng ta muốn hiểu con người đó sống và suy nghĩ như thế nào đã đành, chúng ta lại muốn hiểu con người ấy tìm thấy sức mạnh của mình ở chỗ nào, và đây mới là điều quan trọng hơn cả. Chúng ta muốn hiểu tập thể anh hùng nào đã đẻ ra những cá nhân anh hùng. Thật ra, không bao giờ chúng ta hiểu được một con người thật là anh hùng nếu chỉ biết riêng người đó. Người anh hùng, người anh hùng mới của thời đại chúng ta chỉ có thể có trong những tập thể vĩ đại. Bởi vì chủ nghĩa anh hùng của chúng ta là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa anh hùng quần chúng. Và cũng chỉ có chủ nghĩa anh hùng đó mới có giá trị lớn, có sức chiến đấu, có sức chiến thắng mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh cách mạng của chúng ta là sự nghiệp của quần chúng, sự nghiệp ấy đầy đau thương, hy sinh gian khổ nhưng nhất định thắng và thực tế là đang thắng. Cho nên chúng ta muốn tìm thấy hình dáng những con người quần chúng trong thực tế đang chiến thắng và nhất định chiến thắng...

"Sống như anh" thật là một thiên anh hùng ca lớn, một bài ca lớn của dân tộc ta, của đồng bào miền Nam, trong thời đại hiện nay, thời đại cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là chống đế quốc Mỹ. Nó sẽ góp phần không nhỏ cắt nghĩa thêm cho chúng ta và cắt nghĩa thêm cho những ai chưa hiểu vì sao chúng ta dám đánh và có thể đánh thắng đế quốc Mỹ, như chúng ta đã giành được thắng lợi hiện nay.

Tác phẩm "Sống như Anh" được xuất bản sang tiếng Tây Ban Nha

Nguyễn Văn Trỗi - Phim Việt Nam (1966)

Phim NGUYỄN VĂN TRỖI



Năm sản xuất : 1966
Đạo diễn : Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo
Diễn viên : Quang Tùng, Thu Hiền, Lâm Tới, Tuệ Minh, Trần Tiến, Hồ Kiểng
Kịch bản : Anh Đức
Hãng sản xuất : Xưởng phim truyện Việt Nam
Thể loại : Lịch sử
Giải thưởng :
Giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ I - 1970
Bằng khen của Hội Nhà báo Liên Xô LHP Quốc tế Moscow 1967
Độ dài : 90 phút
Bài viết : Không có
Nội dung phim :
Ngày 2-5-1964, một sự kiện gây chấn động dư luận thời bấy giờ là kế hoạch gài bom dưới chân cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) hòng giết chết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara. Người thực hiện kế hoạch này là chiến sĩ biệt động nội thành Nguyễn Văn Trỗi.
Tháng 5-1964 chính phủ Mỹ cử một phái đoàn chính trị quân sự cao cấp sang Sài Gòn nghiên cứu tình hình miền Nam. Với lòng căm thù giặc, anh xin Ban chỉ huy quân sự biệt động cho anh thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt phái đoàn này. Do bị lộ, trước giờ xe Mac Namara chạy qua anh bị bắt. Trận đánh không thành, nhưng là một đòn cảnh cáo đối với những hoạt động chuẩn bị leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ. Mac Namara không dám ngồi ô tô vào Sài Gòn mà phải đi bằng trực thăng.
Trong nhà lao, dụ dỗ không được, địch dùng nhiều cực hình nhưng anh cương quyết không khai báo. Trước kẻ thù, câu trả lời duy nhất của anh là : "Tôi nói với mấy người, tôi làm việc phải, tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, thương tật hay hy sinh, tôi cũng vui lòng. Tôi không thể sống như bọn tay sai mong được an thân để làm hại đồng bào!". Chính quyền Nguyễn Khánh đưa anh ra tòa án quân sự kết án tử hình nhằm uy hiếp tinh thần chống Mỹ trong nhân dân thời bấy giờ. Được tin này, phong trào cách mạng Vénézuéla tuyên bố, nếu tử hình anh họ sẽ trừng trị ngay tên trung tá Mỹ mà họ đang bắt giữ. Mỹ buộc phải cam kết không tử hình anh. Nhưng khi tên trung tá Mỹ vừa được thả ra thì chúng trở mặt. Ngày 15-10-1964, bọn đao phủ Mỹ ngụy đưa anh ra pháp trường tại bãi bắn sau nhà lao Chí Hòa. Trong phút cuối cùng của đời mình, anh giật phắt mảnh băng đen mà kẻ thù bịt mắt và dõng dạc nói : "Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!". Và anh hô to : "Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ!" "Hồ Chí Minh muôn năm!" "Việt Nam muôn năm!"
Anh hy sinh lúc 9 giờ 45 phút ngày 15-10-1964 hưởng dương 24 tuổi. Sau khi hy sinh, anh được Đảng nhân dân cách mạng miền Nam truy nhận là Đảng viên và truy tặng Huân chương thành đồng hạng nhất.

(Nguồn : www.saigonnet.vn)

Xem YouTube
Xuất bản 18-10-2013
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1/2/1940 - 15/10/1964)
Người đã thực hiện vụ đánh bom ám sát tên Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ McNamara tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi).
Tuy không thành, nhưng ý chí lẫm liệt và tinh thần bất khuất của anh đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân cả nước chống lại Đế quốc Mỹ xâm lược và bọn Ngụy quân, ngụy quyền tay sai.
Tinh thần kiên cường của Anh đã lan rộng ra toàn thế giới, tại đất nước Mỹ Latinh Venezuela, đội du kích đã bắt tên trung tá không quân Michael Smolen và yêu cầu đổi mạng hắn với Anh. Tuy nhiên, sau khi tên trung tá Smolen được thả ra, bọn Mỹ-Ngụy đã lật lọng và xử bắn Anh tại sân sau khám Chí Hòa.
Trước nòng súng của kẻ thù, Anh vẫn hiên ngang vạch trần tội ác của lũ cướp nước và bọn bán nước.
9h45 ngày 15/10/1964, Anh đã ra đi mãi mãi nhưng tinh thần anh dũng của Anh vẫn sống mãi trong tâm tưởng mỗi người dân Việt Nam. Anh là biểu tượng tình hữu nghị Việt Nam-Venezuela cũng như trên toàn thế giới. Nữ diễn viên người Mỹ Jane Fonda đã lấy tên anh Trỗi đặt tên cho con trai của mình là TROY Garity.
"Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người từ chân lý sinh ra..." (Hãy nhớ lấy lời tôi - Tố Hữu)



Người làm phim Nguyễn Văn Trỗi


Xem: "CÓ CÁI CHẾT HÓA THÀNH BẤT TỬ" - 50 năm ngày hy sinh của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1964 - 15/10/2014), ANTG 18/10/2014 11:27 GMT+7



http://buinhuhung.com/Nghi_Ank/NCK/nguyen_van_troi_execution.htm
https://www.youtube.com/watch?v=OEhIApxlPdw
https://www.youtube.com/watch?v=-K-YX_fBoEg
https://www.youtube.com/watch?v=7sflKd9GBd0

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Giỗ bạn Trịnh Thúc Doanh

Van Chuong Hoang 2 Tháng 9 2014 ·
Hôm nay là ngày 9 tháng 8 âm lịch ngày giỗ của bạn Trịnh Thúc Doanh (hy sinh ở mặt trận Quảng Trị), lại trùng với ngày quốc khánh nên ít bạn đến dự hơn mọi năm.
Chén rượu đầu tiên để tưởng nhớ đến bạn.
Chén thứ 2 chúc mẹ của bạn mạnh khỏe sống lâu.
Chén thứ 3 trở đi là mọi chuyện lung tung...